LO ÂU Ở TRẺ EM VÀ VỊ THÀNH NIÊN
Lo lắng là một phần tự nhiên và cần thiết trong cuộc sống mà ai cũng trải qua. Đối với thanh thiếu niên, một chút lo lắng là điều bình thường, thậm chí có thể tạo động lực cho việc học tập và đạt thành tích. Tuy nhiên, nếu lo lắng kéo dài và trở nên quá mức so với thực tế, đó có thể là dấu hiệu của rối loạn lo âu.
Các triệu chứng lo âu ở trẻ em và vị thành niên là gì?
Biểu hiện rối loạn lo âu ở thanh thiếu niên có thể bao gồm:
- Cảm thấy liên tục bị kích động, căng thẳng hoặc bồn chồn;
- Nhạy cảm với những lời chỉ trích hoặc cực kỳ tự ti;
- Luôn lo lắng về những điều khó có thể xảy ra;
- Tránh những tình huống mới hoặc tình huống khó xử lý;
- Khó khăn trong việc tập trung và học tập tại trường;
- Khó ngủ, ngủ hay giật mình, gặp ác mộng;
- Thay đổi thói quen ăn uống;
- Nhìn đồ vật lúc to lúc nhỏ thất thường.
Các triệu chứng về cơ thể
- Hồi hộp trống ngực;
- Cảm thấy chóng mặt;
- Run chân tay;
- Vã mồ hôi;
- Người lắc lư;
- Hụt hơi;
- Cảm thấy khó chịu vùng bụng;
- Bị đau bộ phận cơ thể (hay gặp đau bụng, đau đầu, đau ngực,..).
Lo âu ở trẻ em và vị thành niên được chẩn đoán như thế nào?
Học sinh sẽ được thăm khám để đánh giá các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, các em sẽ được thực hiện một số bài trắc nghiệm tâm lý cần thiết do chuyên gia tâm lý thực hiện. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm cận lâm sàng nhằm loại trừ các chẩn đoán khác hoặc các nguyên nhân gây ra triệu chứng tương tự lo âu như: bệnh lý tuyến giáp, tim mạch, tiêu hóa, hoặc do sử dụng chất kích thích,...
Lưu ý rằng rối loạn lo âu thường bắt đầu từ những năm thiếu niên. Các triệu chứng lo âu ở thanh thiếu niên thường không điển hình như ở người lớn và dễ bị bỏ qua. Đôi khi, lo âu ở lứa tuổi này có thể biểu hiện qua các triệu chứng đau kéo dài như đau đầu, đau bụng, đau ngực… Vì vậy, nếu con có các triệu chứng lo âu, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm thần nhi.
Nếu không được điều trị, rối loạn lo âu có thể gây ra những tác động lâu dài và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Lo âu ở trẻ em và vị thành niên được điều trị như thế nào?
Để điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em và vị thành niên, các kỹ thuật trị liệu tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT) là một phương pháp điều trị hiệu quả. CBT giúp trẻ thay đổi cách nhìn nhận và phản ứng với những tình huống gây lo âu, từ đó giảm bớt các triệu chứng lo lắng và tăng khả năng kiểm soát cảm xúc. Kỹ thuật phơi nhiễm được sử dụng để giúp trẻ dần dần đối diện và vượt qua những tình huống gây lo âu.
Bên cạnh đó, thuốc chống trầm cảm và giải lo âu cũng được khuyến cáo trong một số trường hợp, đặc biệt là khi tình trạng lo âu nghiêm trọng, tuy nhiên, cần có sự giám sát chặt chẽ từ bác sĩ khi trẻ dùng thuốc và theo dõi định kỳ để đánh giá hiệu quả điều trị.
Một số hoạt động điều chỉnh lối sống giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng lo âu
Duy trì hoạt động thể thao đều đặn, khoảng 30 phút mỗi ngày.
Ăn uống đúng giờ và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.
Tránh sử dụng trà, cà phê
Ngủ đủ giấc, khuyến nghị từ 8-9 tiếng mỗi ngày.
Giải quyết các vấn đề gây lo lắng.
Thực hành kỹ thuật thở thư giãn 4 thì (hít vào 3 giây, giữ hơi 3 giây, thở ra 3 giây, giữ 3 giây).