PHÒNG TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG
TRƯỜNG THCS THANH XUÂN
Thực hành Quản lý cảm xúc
Mỗi ngày chúng ta đều phải tiếp xúc với những tình huống mang lại nhiều cảm xúc. Nếu em phản ứng không thích hợp hoặc không biết cách kiềm chế cảm xúc với những vấn đề tiêu cực thì nó sẽ mang lại những hậu quả đáng tiếc trong cuộc sống cũng như học tập.
Trong cuộc sống, cảm xúc là thứ có thể chi phối suy nghĩ lẫn hành vi. Chính vì thế, việc có kỹ năng kiểm soát cảm xúc sẽ giúp em có những suy nghĩ khách quan hơn từ đó sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt và có hành động đúng đắn, có thể kể đến như: Giảm thiểu xung đột và mâu thuẫn không đáng có, Mở rộng và duy trì các mối quan hệ, Ít bị lợi dụng và thao túng tâm lý, Giúp giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý. Dưới đây là các bước giúp em thực hành kiểm soát cảm xúc
1.Nhận diện những cảm xúc em thường gặp
Những cảm xúc em thường gặp có thể rất đa dạng, từ niềm vui, sự sơ hãi đến nỗi buồn, lo lắng thậm chí là cả sự tức giận. Khi em cảm thấy vui, trái tim như tràn đầy năng lượng, mọi thứ xung quanh dường như sáng hơn, tươi đẹp hơn. Ngược lại, khi em buồn, thế giới như trở nên trầm lặng, mọi chuyện nhỏ nhặt cũng dễ khiến em bận lòng. Đôi khi, em còn cảm thấy lo lắng trước những thử thách mới, nhưng cũng có lúc tự tin khi vượt qua được khó khăn. Những cảm xúc này vẫn diễn ra hàng ngày, em gặp nó khí nào, em hãy liệt kê lại các cảm xúc em thường gặp và tình huống gây ra cảm xúc đó nhé. VD: Em cảm thấy vui khi em hoàn thành bài kiểm tra tốt; em được mẹ tặng quà. Em cảm thấy tức giận khi bạn trêu em, khi em trai lấy đồ của em….
2. Nhận diện cách xử lý cảm xúc của bản thân
Nhận diện cách xử lý cảm xúc của bản thân là một quá trình quan trọng để hiểu và quản cảm xúc hiệu quả. Khi đối diện với cảm xúc tích cực như niềm vui, sự hạnh phúc, em có thể cảm thấy dễ dàng chia sẻ với người khác hoặc tự thưởng cho bản thân. Tuy nhiên, với những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, giận dữ hay lo lắng, cách xử lý thường khó khăn hơn. Em nhớ lại và ghi ra những việc mà mình đã làm tương ứng với từng cảm xúc nhé VD: Khi buồn em sẽ: nghe nhạc, đọc sách. Khi tức giận em sẽ: đi ra ngoài, hét lên…
Từ những cảm xúc và những hành động em đã làm khi gặp cảm xúc đó, em hãy đánh giá xem mình nên làm và không nên làm hành động gì??
3. Nuôi dưỡng và giải tỏa cảm xúc
Nuôi dưỡng và giải tỏa cảm xúc là quá trình giúp con người duy trì trạng thái tinh thần khỏe mạnh và hạnh phúc. Để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực và giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực, em có thể áp dụng những cách sau:
- Khi em có cảm xúc vui, em hãy: Chia sẻ với người thân câu chuyện khiến em vui vẻ, Tự thưởng cho mình một điều gì đó, Nghĩ về niềm vui đó thường xuyên…
- Khi em có cảm xúc buồn, em hãy: Chia sẻ với người thân điều khiến em cảm thấy buồn, Em hãy viết nhật ký, Nghe nhạc/xem phim/game, Tập thể dục, Đọc sách, học tập…
- Khi em cảm thấy tức giận, em hãy: Nói với mọi người rằng mình đang rất tức giận, Lịch sự rời đi khỏi chỗ đó, Uống nước/Hít thở sâu, Đếm 1-20, Nghe nhạc/game/vẽ.., Hét lên…
- Khi em cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi, em hãy: Nói với một ai đó điều khiến em lo lắng và sợ hãi, Hãy Hít thở thật sâu, Hét toáng lên, Uống nước hoặc Chơi với thú cưng…
Nếu em cảm thấy: Buồn/lo lắng/tức giận…., Kéo dài trong nhiều ngày; Cảm xúc đó khiến em khó ăn/khó ngủ/ảnh hưởng đến học tập….; em không biết chia sẻ cùng ai…. Em hãy đến Phòng Tư vấn Tâm lý học đường của trường THCS Thanh Xuân. Phòng Tư vấn Tâm lý học đường luôn chào đón và sẵn sàng lắng nghe các em.
Cùng con nuôi dưỡng cảm xúc tích cực
Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con. Những cảm xúc tích cực không chỉ giúp con hạnh phúc, tự tin mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần và khả năng xử lý các tình huống trong cuộc sống. Là cha mẹ, việc đồng hành và giúp con nuôi dưỡng cảm xúc tích cực sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tương lai của con. Sau đây là một vài gợi ý để cha mẹ cùng con nuôi dưỡng cảm xúc tích cực
Chia sẻ cảm xúc cùng con
Nói chuyện với con về những cảm xúc mà các con đang cảm thấy có thể giúp các con học cách nhận diện cảm xúc và truyền đạt cảm xúc của mình. Cha mẹ có thể cân nhắc việc chia sẻ những trải nghiệm của chính mình về những niềm vui, thất vọng hoặc sợ hãi để chia sẻ cùng con và tạo sự kết nối với con. Việc trò chuyện về nguyên nhân và hậu quả của cảm xúc và hành vi đi kèm với cảm xúc đó sẽ góp phần giúp các con thực hành kiểm soát cảm xúc
Hướng dẫn con cách giải quyết vấn đề
Khuyến khích con lập kế hoạch và giải quyết vấn đề có thể giúp các con tìm ra cách thay đổi hoặc đối phó với các sự kiện căng thẳng. Đưa ra các lựa chọn phù hợp khi đối mặt với các vấn đề căng thẳng là một trong những kỹ năng hữu ích nhất cần học để giúp điều chỉnh cảm xúc.
Cha mẹ có thể hỗ trợ con lập kế hoạch các bước khi đối mặt với những tình huống căng thẳng hoặc thử thách như: Cùng con xác định vấn đề đó là gì, nghĩ đến các giải pháp khả thi, chọn giải pháp tốt nhất và suy nghĩ xem giải pháp đó có hiệu quả hay không.
Xây dựng mối quan hệ tích cực với các thành viên trong gia đình
Mối quan hệ tích cực trong gia đình giúp các con cảm thấy gắn kết hơn với mọi người. Sự gắn bó này góp phần cải thiện khả năng điều chỉnh cảm xúc và tính tự lập của trẻ, từ đó hỗ trợ việc cân bằng cảm xúc. Một mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên cần có sự ấm áp, tin tưởng và chấp nhận lẫn nhau, loại bỏ sự căng thẳng và xung đột giữa cha mẹ và con cái trong cuộc sống hàng ngày. Khi con được sống trong môi trường vui vẻ, cảm xúc của con được nuôi dưỡng và phát triển, giúp con trở nên tự tin hơn trong việc thể hiện bản thân và xây dựng những mối quan hệ tích cực với mọi người xung quanh.
Hướng dẫn con tìm kiếm sự hỗ trợ
Cha mẹ có thể khuyến khích con tìm kiếm sự hỗ trợ khi đối diện với những tình huống căng thẳng hoặc khó khăn. Sự hỗ trợ này có thể giúp con quản lý các cảm xúc như căng thẳng, tức giận hoặc lo lắng. Sự hỗ trợ này có thể đến từ những người thân trong gia đình, bạn bè mà con tin tưởng hay thầy cô giáo của con. Đôi khi, con ngại nên sẽ không tìm đến các nguồn hỗ trợ này mà giữ kín trong lòng. Việc giúp con thực hiện tìm kiếm sự hỗ trợ là điều cần thiết.