Đó là những chia sẻ đầy tâm huyết của Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà - Chuyên gia tư vấn tâm lý học đường (trường THCS Ngô Sĩ Liên - Hà Nội), người từng có trên 5 năm kinh nghiệm đồng hành, tư vấn, hỗ trợ học sinh tuổi teen trên tất cả các “mặt trận” tâm lý.
Tình nguyện tư vấn vì thấy… học sinh cần
Được biết, công tác tư vấn tâm lý học sinh của trường THCS Ngô Sĩ Liên được triển khai từ khoảng hơn 5 năm trước đây, xuất phát từ nhiệt huyết của những người làm nghề. Các chuyên gia đã đến trường tư vấn, chia sẻ và đặt vấn đề với nhà trường về công tác tư vấn tâm lý học đường và được Ban Giám hiệu nhà trường chấp thuận.
“Cơ duyên đơn giản có thế. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu bức thiết của việc lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh, thấy trách nhiệm giúp các em tháo gỡ những khó khăn tâm lý để học tập và phát huy thế mạnh. Thế là cùng nhau cống hiến” - Thạc sĩ Vũ Thu Hà cho biết.
Ban đầu là việc làm tình nguyện, tự nguyện của đội ngũ các chuyên gia tâm lý trong khoảng 1 năm học. Nhận thấy hiệu quả thiết thực của công tác này đối với học sinh nên nhà trường đã bàn bạc và được sự nhất trí của Hội phụ huynh mời các chuyên gia tiếp tục làm việc. Các chuyên gia làm việc theo cơ chế cộng tác với nhà trường theo thỏa thuận, trên cơ sở bố trí hợp lý với thời gian của trường học.
Với học sinh tuổi teen, bước chuyển từ trẻ em - chuẩn bị thành người lớn gặp rất nhiều các vấn đề về thay đổi tâm sinh lý, suy nghĩ định hướng cho tương lai, các mối quan hệ của bản thân với bạn bè, cách thức để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp sau này,… vấn đề suy nghĩ cảm xúc hay định hình hành vi. Tất cả đều cần sự trao đổi, chia sẻ vì không phải đứa trẻ nào cũng có đủ vốn sống, sự mạnh mẽ để giải quyết tất cả mọi khúc mắc.
Vì vậy, nếu có được hỗ trợ từ tư vấn tâm lý học đường các em sẽ vững vàng hơn rất nhiều và có suy nghĩ chín chắn cũng như hành vi chuẩn mực tốt hơn.
Thạc sĩ Vũ Thu Hà
Nơi thỏa mãn mọi bức xúc tâm lý
Theo chia sẻ của Thạc sĩ Vũ Thu Hà, học sinh tìm đến tư vấn tâm lý học đường như một cách tự nhiên, gần gũi như một người bạn thân cần chia sẻ để tìm lời khuyên chứ không có thái độ e dè hay ngại ngùng. Thực chất, về mặt tâm lý, nếu ai đó mà không dám chia sẻ cũng là một vấn đề. Đó là khi họ đang sợ hãi, thiếu mạnh dạn. Vì vậy, cần được tiếp nhận một cách lắng nghe và hỗ trợ để xóa bỏ ranh giới ngại ngùng, giúp học sinh thoải mái bộc lộ.
Học sinh và giáo viên nắm được thời gian biểu làm việc tại trường của chuyên gia để đặt lịch hẹn trước hoặc gặp trực tiếp để tư vấn, làm sao để không làm ảnh hưởng đến giờ học chính của học sinh.
"Chúng tôi luôn xác định, tư vấn tâm lý cho học sinh THCS là phải có kỹ năng về "thập cẩm" các vấn đề và học sinh cần hỗ trợ nhiều nhất là vấn đề căng thẳng và áp lực tâm lý tự thân. Đôi khi là khúc mắc với bạn bè, với cha mẹ, thầy cô, hay có thể là vi phạm nguyên tắc, nói tục, mất trật tự nhiều trong giờ học, làm thiếu bài tập, xử lý bài tập khó, muốn đạt điểm cao,… mà cốt lõi là do các em chưa tìm ra cách sắp xếp phù hợp theo lịch trình hoặc chưa tức thời tự tháo gỡ được vấn đề mà các em đang cảm thấy khó khăn. Bởi vậy, kỹ năng quan trọng nhất, tôi xin nhắn nhủ thêm cha mẹ và thầy cô giáo khi làm việc với các teen đó là kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu" - Thạc sĩ Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Cần cơ chế để giải quyết phần gốc của vấn đề
Đánh giá về mức độ quan trọng và cần thiết của công tác tư vấn tâm lý học đường, Bộ Nội vụ cũng đã từng có cân nhắc về vấn đề định biên vị trí việc làm đối với cán bộ tâm lý học đường.
Về vấn đề này, Thạc sĩ Vũ Thu Hà cho rằng: Đây là việc làm rất cần thiết để giúp các cán bộ tư vấn ổn định và gắn bó hơn với công việc, đồng thời nếu họ được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, chuyên sâu sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác tư vấn - Đó là phần gốc của vấn đề nhân lực.
Tư vấn tâm lý học đường không phải để giải quyết “phần ngọn” là áp lực, bạo lực hay tự tử,… mà trước tiên đơn giản là vấn đề hỗ trợ. Việc các em không biết sắp xếp thời gian thế nào, không biết mình học tốt, học kém môn nào và nên tìm ai hỗ trợ để cải thiện kết quả học tập của môn học, quá trình nâng cao kiến thức một môn học cần bao lâu và phải thực hiện như thế nào?.. – Đó mới là “gốc rễ” của vấn đề trong đặc thù tâm lý lứa tuổi của học sinh.
Sau khi tất cả vấn đề này đã được giải quyết mà học sinh vẫn bị căng thẳng hoặc khó đối mặt thì sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt tâm lý và hầu như các vấn đề sẽ được giải quyết dứt điểm.
Cán bộ tâm lý học đường cũng thường xuyên xây dựng và tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề theo lớp, trên cơ sở “đặt hàng” cụ thể của giáo viên chủ nhệm và tùy theo vấn đề của từng lớp: bạo lực, tẩy chay bạn bè, yêu sớm, vi phạm nội quy…
Đối với trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên, cơ chế phòng vệ và sợ hãi rất lớn nên để các em có thể chia sẻ và giãi bày là điều vô cùng quan trọng. Khi được hỗ trợ kịp thời từ lúc mọi chuyện mới manh nha thì rõ ràng sẽ giảm thiếu đáng kể hoặc xóa bỏ hoàn toàn cơ hội xảy ra hậu quả đáng tiếc.