Nuôi dạy một đứa trẻ thành người là câu chuyện khiến bất cứ phụ huynh nào cũng nhức đầu. Mỗi người sẽ có những cách giáo dục khác nhau và khó có thể đoán định nó tốt hay xấu. Tuy nhiên, có những thói quen của cha mẹ thực sự sẽ khiến con cái thất bại, mãi không thể trưởng thành.
Nuôi dạy con cái sao cho đúng đắn là chuyện lớn mà bất cứ phụ huynh nào cũng phải suy nghĩ cẩn trọng. Chỉ vài hành động sai lầm có thể dẫn đến cuộc đời sai lầm mãi mãi về sau của đứa trẻ. Dưới đây là những hành động của cha mẹ có thể khiến con khổ sở, nhiều khả năng biến cuộc đời của con tăm tối…
- Bao bọc, kiểm soát con quá mức
Rất nhiều phụ huynh khi giáo dục con rất “thích” kiểu bao bọc, kiểm soát con một cách toàn diện. Điều này sẽ khiến tâm lý đứa trẻ dần qua thời gian hình thành sự thiếu tự tin, chỉ biết dựa dẫm vào cha mẹ. Những đứa trẻ được bao bọc quá kỹ lưỡng, được nuông chiều thái quá khi lớn lên và hòa nhập cộng đồng sẽ nhiều xu hướng trở thành người ích kỷ, tự cho mình là “cái rốn vũ trụ” và đôi khi còn hình thành cả sự lười biếng.
Khi được nuông chiều, đứa trẻ gặp khó khăn trong phát triển lòng tự trọng (tự đánh giá bản thân) và trong mối quan hệ với những người khác. Trẻ cần được khuyến khích tự lập, nhất là ở độ tuổi thiếu niên để nâng cao khả năng giải quyết xung đột, xây dựng các mối quan hệ cá nhân.
Ngoài ra, sự tự lập có thể giúp trẻ tăng khả năng kháng lại được những áp lực, rủ rê từ bạn bè cùng lứa và từ đó tránh được những cám dỗ trong cuộc sống sau này.
Nhiều gia đình vẫn hay vin vào câu nói xưa “Yêu cho roi cho vọt; Ghét cho ngọt cho bùi” để giáo dục con. Thậm chí nhiều người còn yêu cầu giáo viên cứ đánh đòn con nếu đứa trẻ không nghe lời. Điều này thực sự không giúp đỡ trong việc giáo dục con cái mà chỉ khiến chúng trở nên lì lợm, thậm chí là hình thành sự bạo lực ngay từ những năm tháng đầu đời.
Không chỉ đòn roi khiến trẻ trở nên tệ hơn, những lời mắng nhiếc bằng lời chẳng tốt đẹp hơn việc sử dụng chân tay. Nhiều tình huống, mắng nhiếc chẳng khác gì sử dụng đòn roi cho tâm hồn bởi những lời la hét, sỉ nhục của bạn sẽ dễ khiến con trầm cảm, thiếu tự tin.
Những đứa trẻ phải nghe lời mắng nhiếc trong thời gian dài và những trận đòn roi từ “phương pháp giáo dục” của cha mẹ sẽ bị tổn thương cả về tình cảm và tâm lý. Tâm tính của dễ trở nên hung hăng, chống đối và còn tìm cách trút cơn giận của mình bằng sự phá bĩnh ở trường.
Nhiều phụ huynh thường mặc định rằng mình trải nghiệm nhiều hơn con và có vốn sống nhiều hơn nên biết đâu là điều tốt xấu. Vì thế, con chỉ cần nghe và làm theo mà không cần nêu ý kiến. Điều này khiến trẻ cảm thấy hoang mang vì chẳng hiểu vì sao lại cần như vậy.
Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra khi trẻ còn nhỏ chưa nhận thức được vấn đề. Khi trẻ dần trưởng thành, cái tôi bộc phát và năng lực phán đoán dần hình thành thì chúng sẽ tìm cách phá bỏ bức tường độc đoán ấy. Lúc này, mọi phương pháp của phụ huynh cũng đã quá muộn màng.
- Khen ngợi con 1 cách thái quá
Dành cho con những lời khen ngợi là chuyện cực kỳ cần thiết khi trẻ làm được việc tốt. Tuy nhiên, khen như thế nào, khen ra sao để lời khen không bị phản tác dụng thì không phải phụ huynh nào cũng biết. Cần phải kiểm soát lời khen ngợi của mình, không khiến con có những suy nghĩ sai lệch về những gì nên làm.
Một cách để tránh sai lầm này ở trẻ là bố mẹ khen ngợi con chỉ tập trung vào quá trình đưa chúng đến việc đạt được hành động tốt đó, chứ không phải khen kết quả của quá trình đó. Ví dụ, khi con cố gắng giúp bố mẹ làm việc nhà, bố mẹ có thể khen theo cách này: “Bố/mẹ thích cách con cố gắng hết sức để giúp bố/ mẹ hoàn thành công việc”. Ngay cả khi kết quả không lý tưởng như mong đợi, bố mẹ vẫn cần công nhận nỗ lực của con, điều này sẽ khuyến khích bé tiếp tục hành động như vậy.
- So sánh con mình với anh chị em và “con người ta”
Với gia đình có nhiều hơn một đứa con, việc thấy những đứa trẻ có sự khác biệt trong tính cách, hành vi và tính khí là chắc chắn. Vì thế, cha mẹ cũng không nên nhận xét về sự khác nhau giữa những đứa con để khiến chúng bị hiểu sai về việc bạn có thể yêu đứa này hơn, ghét đứa kia hơn.
Một đứa trẻ dễ dàng nghĩ rằng nó không tốt hoặc không được yêu thương như anh chị em của mình khi bố mẹ so sánh chúng. Bố mẹ hãy nhớ rằng, mỗi đứa trẻ đều đặc biệt và hãy cho từng trẻ một biết điều đó.
Nhìn chung, cha mẹ giống như tấm gương để con cái soi vào. Mỗi hành động, mỗi thói quen của cha mẹ sẽ ảnh hưởng cực kỳ lớn đến tương lai và sự phát triển của con cái. Đừng để mình phải hối hận và cuộc đời con cái trở nên tồi tệ.