CHỦ ĐỀ : MỪNG ĐẢNG – MỪNG XUÂN
Cuốn sách:Mùa xuân và phong tục Việt Nam
Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật, cỏ cây. Giữa tiết trời ấm áp ấy, người dân rủ nhau đi hội, hành hương về cội nguồn, vui chơi và cầu mong cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống hạnh phúc. Mùa xuân, với những phong tục lâu đời gắn liền trong nhân dân ta rất bền chặt. Mùa xuân chính là mùa hội tụ nhiều phong tục và lễ hội nhất.
Cuốn sách “Mùa xuân và phong tục Việt Nam” do Trần Quốc Vượng, Lê Văn Hảo và Dương Tất Từ biên soạn sẽ đưa người đọc khám phá những khía cạnh khác nhau của phong tục và lễ hội vào mùa xuân ở nước ta.
Sách dày 268 trang với bố cục 6 phần.
Phần 1 “Việt Nam, Xuân nhiều vẻ” giới thiệu đến người đọc hình ảnh đất nước Việt Nam hiện lên như một bức tranh đa sắc với: Xuân làm ăn, Xuân đánh giặc, Xuân vui chơi. Trong lịch sử lâu dài của dân tộc, bên cạnh việc làm ăn, người Việt còn phải lo đánh giặc. Vì vậy, bên cạnh xuân làm ăn có cả xuân chiến đấu, tiếp đến là xuân vui chơi với những truyền thống văn hóa tốt đẹp của người nông dân.
Phần 2 “Ông cha ta ăn Tết: Tiễn đông đón xuân, ra xuân vào hè” được tác giả mô tả chi tiết từ “Tết cơm mới đầu Đông đến Tết Ông Táo”, “Tết Nguyên đán đến Tết Khai Hạ”, “Tết Rằm tháng giêng đến Tết Thanh minh”, “Tết Mưa dông đến Tết Đoan ngọ”. Mỗi dịp lễ hội mang một nét văn hóa đặc trưng riêng.
Phần 3 “Tết Cả Việt Nam” giới thiệu đến các bạn những tục lệ vào ngày Tết Nguyên đán. Ở đây các bạn sẽ được tìm hiểu “Từ tiễn Ông Táo đến đón Giao thừa”, “Trang hoàng ngày Tết; trang điểm đón xuân”, “Chợ Tết, chợ Xuân”, “Đêm Giao thừa nghe thơ Bác Hồ chúc Tết đồng bào cả nước”,...
Ở phần 4 “Những sắc thái Tết”, bạn sẽ được tìm hiểu những sắc thái khác nhau của các vùng miền trên đất nước như: Chợ Tết miền Nam, phong thái Tết miền Nam, hương vị Tết miền Nam; Tết ở các Buôn sóc, bản Mường với những sự giao hòa giữa đất trời với con người gắn với nét riêng của nền văn hóa dân gian mỗi vùng; Triết lý về ngày Tết cả.
Phần 5 “Hội mùa xuân Tây Bắc” và phần 6 “Trẩy hội mùa xuân miền đồng bằng” đưa người đọc đến với những nét rất riêng độc đáo của những lễ hội vô cùng đặc sắc ở Tây Bắc và miền đồng bằng như: Hội xuân Tây Bắc, Việt Bắc; Hội xuân vùng Hmông, Tây Nguyên; Hội chùa Hương và tình yêu thiên nhiên; Hội chùa Thầy,…
Theo thời gian, có những phong tục vẫn được lưu giữ đến ngày nay, có những phong tục đã bị thay đổi hoặc biến mất cùng sự phát triển của đời sống xã hội. Cứ mỗi dịp xuân về, những ước vọng, niềm tin về một khởi đầu tốt đẹp, may mắn vào năm mới lại đưa mọi người tìm về với những phong tục Tết truyền thống.
Thư viện trường THCS Thanh Xuân trân trọng giới thiệu cuốn sách này tới các em học sinh và độc giả.