TRƯỜNG THCS THANH XUÂN
THƯ VIỆN
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 01 NĂM HỌC 2023 -2024
Giới thiệu sách “ Chuyện kể về Ngô Gia Tự”
Nhân kỉ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2024), thư viện trường THCS Thanh Xuân xin giới thiệu với các em cuốn sách "Chuyện kể về Ngô Gia Tự". Cuốn sách viết về cuộc đời sự nghiệp của bác , người tiền bối các mạng của Đảng ta. Cuốn sách dày 99 trang, do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2000.
Tiểu sử nhà các mạng Ngô Gia Tự
Ngô Gia Tự (3 tháng 12 năm 1908 – 1935) là một đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Ông sinh tại làng Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).[1] Năm 1927, ông tham gia lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc, được Kỳ bộ Bắc kỳ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội chỉ định vào Tỉnh bộ Bắc Ninh để gây dựng cơ sở ở địa phương. Năm 1928, Ngô Gia Tự được đưa về hoạt động tại Kỳ bộ Bắc kỳ. Ngày 1 tháng 5 năm 1929, Đại hội toàn quốc của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội họp ở Hương Cảng. Đoàn đại biểu miền Bắc mà vai trò kiên quyết Ngô Gia Tự đưa ra đề nghị giải tán Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, thành lập đảng cộng sản. Sau đó thực hiện chủ trương "vô sản hóa" Ngô Gia Tự đã vào Sài Gòn làm phu đẩy xe than, làm công nhân khuân vác ở các bến tàu. Qua công việc, ông đã giác ngộ được nhiều công nhân lao động về con đường Cách mạng sau đó.
Tháng 3 năm 1929, ông giúp thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Xứ ủy Ngô Gia Tự, Đảng bộ đã chọn nhà máy Ba Son, đồn điền Phú Riềng, xã Vĩnh Kim (Mỹ Tho) làm cơ sở phát triển cách mạng. Đặc biệt ở những khu lao động nghèo vùng Thị Nghè đã được Ngô Gia Tự chọn làm nơi trú ngụ và hoạt động trong những tháng ngày thực hiện chủ trương "Vô sản hóa" của Đảng. Đến cuối năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Sau hơn 2 năm bị giam giữ, ngày 2 tháng 5 năm 1933, thực dân Pháp đưa Ngô Gia Tự, cùng Phạm Hùng, Lê Văn Lương và nhiều đảng viên khác ra phiên tòa "đại hình đặc biệt", và đày ra Côn Đảo vào tháng 5 năm 1933. Ông bị mất tích trong một chuyến vượt ngục đầu năm 1935 cùng với các bạn tù khác. Ngày nay tại Việt Nam đang có những con đường, phố và ngôi trường mang tên ông.
Nội dung cuốn sách
“Chuyện kể về Ngô Gia Tự” của tác giả Lê Quốc Sử, là những câu chuyện kể về quá trình hoạt động các mạng của nhà các mạng tiền bối Ngô Gia Tự.
Nội dung cuốn sách được chia thành 8 phần, được thể hiện bằng những câu chuyện từ những ngày đầu hoạt động cách mạng đến khi bị đồng chí Ngô Gia Tự vượt ngục ở Côn Đảo và mất tích.
Phần I: Những ngày ở trường Bưởi.
Phần II: Hai anh em.
Phần III: Đi học nước ngoài.
Phần IV: Chi bộ Cộng sản đầu tiên.
Phần V: Năm 1929.
Phần VI: Hai án tử hình và hai án khổ sai chung thân vào một con người.
Phần VII: Những ngày Côn Đảo.
Phần VIII: Vượt Côn Đảo.
Tháng 7/1929, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Ngô Gia Tự diễn ra khi ông được Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Nam Kỳ vận động các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Nam Kỳ chuyển thành các Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Ông trực tiếp làm công nhân tại nhiều cơ sở công nghiệp để tranh thủ mọi điều kiện, mọi cơ hội tuyên truyền giác ngộ cho công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động. Ngay sau khi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Kỳ, Ngô Gia Tự đã chỉ đạo chọn nhà máy Ba Son (Sài Gòn), đồn điền Phú Riềng (Bình Dương), xã Vĩnh Kim (Tiền Giang) làm điểm để xây dựng chi bộ Đảng Cộng sản; việc lựa chọn 3 cơ sở gồm cả thành thị và nông thôn, đồng bằng và trung du miền núi, công nhân và nông dân để đúc rút kinh nghiệm xây dựng Đảng, phát triển phong trào cách mạng đã thể hiện sự lãnh đạo toàn diện và khoa học của Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Kỳ.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sự kiện chính trị trọng đại đó đã tạo ra bước ngoặt lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Ngày 24/2/1930, Ngô Gia Tự được Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Nam Kỳ bầu làm Bí thư Chấp uỷ lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ. Chấp hành quyết nghị của Hội nghị thành lập Đảng về việc thống nhất các tổ chức cộng sản ở Nam Bộ, ông đã ký quyết nghị chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở cương vị lãnh đạo chủ chốt – Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ, ông thường xuyên đi xuống cơ sở mở lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho cán bộ, đảng viên để nâng cao nhận thức chính trị, cổ vũ tinh thần quyết tâm chiến đấu, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng. Ông nói: “Đảng viên phải vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta để Đảng và cách mạng phải tổn hại”.
Trong giai đoạn đầu thành lập Đảng, giữa lúc phong trào đấu tranh của quần chúng ở Nam Kỳ đang cần có sự chỉ đạo sâu sắc hơn nữa, tối 31/5/1930, Ngô Gia Tự bị địch bắt trong lúc đang viết truyền đơn tại một cơ sở cách mạng ở Phú Am trên sông Thị Nghè (Sài Gòn). Biết ông là cán bộ cấp cao của Đảng, kẻ địch hết dụ dỗ, mua chuộc lại dùng cực hình tra tấn dã man, để khuất phục, nhưng cuối cùng chúng đã phải bất lực trước ý chí sắt đá kiên trung của ông.
Trong lao tù của thực dân Pháp, phẩm chất cách mạng Ngô Gia Tự lại tiếp tục thể hiện rõ ý chí quật cường của người cộng sản. Thực dân Pháp đưa ông cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương ra phiên toà “đại hình đặc biệt”. Ngô Gia Tự và các chiến sĩ cộng sản đã biến phiên toà thành diễn đàn lên án thực dân Pháp.
Ba năm giam giữ, bốn lần xét xử, thực dân Pháp đã khép Ngô Gia Tự một bản án tử hình, ba bản án khổ sai chung thân và bí mật đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo.
Ở Côn Đảo - địa ngục trần gian, người “tù chính trị hạng đặc biệt nguy hiểm” chịu mọi cực hình tra tấn, đày ải dã man của kẻ thù, Ngô Gia Tự vẫn kiên cường chiến đấu, tham gia tuyệt thực chống lại chế độ nhà tù hà khắc. Ông được cử vào Ban chi uỷ chi bộ nhà tù. Thực hiện “biến nhà tù thành trường học cộng sản”, Ngô Gia Tự đã cùng với Hà Huy Giáp và một số đồng chí khác dịch nhiều cuốn sách kinh điển của Chủ nghĩa Mác – Lênin: Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Tư bản, Làm gì?… tổ chức viết báo, nghiên cứu những đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam, rút kinh nghiệm về đường lối lãnh đạo của Đảng. Ông thường nói với các bạn tù: “Phải biến nhà tù thành trường học, không nên bỏ phí thì giờ. Bất kỳ ở đâu, chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được”. Nhờ được trang bị lý luận đấu tranh cách mạng nên các cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản trong tù diễn ra có tổ chức, có phương pháp, có sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động. Trong lao tù, tấm gương dũng cảm, kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù của đồng chí Ngô Gia Tự và các chiến sĩ cộng sản đã cảm hoá được một số người ở đảng phái khác nhận ra lý tưởng cộng sản, tự nguyện gia nhập và chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuối năm 1934, chi bộ nhà tù Côn Đảo quyết định cử Ngô Gia Tự cùng 7 chiến sĩ cộng sản khác vượt biển về đất liền hoạt động. Nhưng không may ông và các chiến sỹ trong đoàn đã mất tích và anh dũng hy sinh giữa biển khơi. Năm ấy, Ngô Gia Tự mới 26 tuổi, độ tuổi tràn đầy sức lực, đang nở rộ tài năng. Sự hy sinh cao đẹp của Ngô Gia Tự cùng các chiến sĩ cộng sản và của nhiều thế hệ người dân Việt Nam yêu nước đã góp phần làm cho “cây cách mạng khai hoa, kết quả”, Tổ Quốc đã thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đánh giá về công lao sự nghiệp cách mạng cao cả của Ngô Gia Tự và nhiều cán bộ khác đã anh dũng hy sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.
Kính mời quý thầy giáo, cô giáo và các em học sinh tìm đọc cuốn sách tại Thư viện trường THCS Thanh Xuân!
Thư Viện trường THCS Thanh Xuân