TRƯỜNG THCS THANH XUÂN
THƯ VIỆN
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4 NĂM HỌC 2022 -2023
KÝ ỨC THÁNG TƯ NĂM 1975 VÀ NHỮNG ĐIỀU SUY NGẪM
Tác giả: Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu
“Ký ức tháng Tư năm 1975 và những điều suy ngẫm” của Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, gồm hai phần:
Phần thứ nhất: Ký ức tháng Tư năm 1975. Tác giả nói về những ngày tháng hào hùng của "một ngày bằng 20 năm", khi những binh đoàn chủ lực của ta đang tiến về chiến trường trọng điểm Sài Gòn - Gia Định, tham gia trận quyết chiến chiến lược cuối cùng mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khi ấy Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 - Sư đoàn 320B - Quân đoàn 1. Với lối kể chân thực, giản dị của người trực tiếp chỉ huy một mũi thọc sâu vào nội đô nhưng không kém phần hấp dẫn, Nguyễn Huy Hiệu gặp má Sáu Ngẫu, là cơ sở cách mạng. Má Sáu đã đưa cho Nguyễn Huy Hiệu tấm bản đồ "Đô Thành", trong đó má đánh dấu các vị trí của địch, những nơi địch chốt giữ các xe tăng. Tấm bản đồ là tấm lòng của người dân Nam Bộ hướng về cách mạng. Nhờ có tấm bản đồ này đã dẫn đường cho đơn vị ông đến các mục tiêu được phân công nhanh nhất. Khi mũi tiến công của Trung đoàn 27 đến cầu Vĩnh Bình, quân địch ở đây có xe tăng và bộ binh chống trả quyết liệt, Đại đội trưởng xe tăng Hoàng Thọ Mạc (sau được tuyên dương Anh hùng) chiến đấu rất dũng cảm, anh bị thương, rồi hy sinh khi quân ta vượt qua cầu Vĩnh Bình, tiến vào bộ tư lệnh thiết giáp, lục quân công xưởng, căn cứ tiếp vận truyền tin, căn cứ tồn trữ quân nhu và tổng y viện cộng hòa... Mũi tiến công của Trung đoàn 27 góp phần vào sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh...
Phần thứ hai: Những điều suy ngẫm. Với tư cách là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và còn là Viện sĩ, Tiến sĩ Khoa học quân sự, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu mong muốn đóng góp tiếng nói của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để ngày 30 tháng 4 năm 1975 thực sự có ý nghĩa và sống mãi cùng non sông đất nước. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đề cập đến một số vấn đề về giải quyết hậu quả trong chiến tranh, nhất là công tác dò tìm xử lý bom mìn, vật nổ là một trong những vấn đề quan trọng và cấp bách, nhằm giảm thiểu các tai nạn nổ, bảo đảm an toàn cho con người, môi trường, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội đất nước. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng đưa ra thực trạng và hậu quả bom mìn, vật nổ ở nước ta sau chiến tranh; chủ trương xử lý bom mìn, vật nổ trong thời gian tới. Chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ... Tác giả cũng đề cập đến vấn đề chất độc da cam/dioxin do Mỹ tiến hành trong chiến tranh Việt Nam. Dioxin được coi là chất độc bậc nhất vì nó gây tác hại ở liều rất thấp, gây ra ung thư, dị dạng và có tác động di truyền đến các thế hệ sau. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là người từng đảm nhiệm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, ông đã có mặt ở những vùng được gọi là "điểm nóng" để tìm ra phương án cứu giúp nhân dân. Cũng từ cuộc chiến đấu trong thời bình với thiên tai bão lụt, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tìm ra "cách đánh" mới, đó là phương châm bốn tại chỗ mà ông đã đưa ra được các địa phương và đơn vị vận dụng trong các tình huống xảy ra ở địa phương và đơn vị mình... được ông đưa ra để mọi người tham khảo. Mỗi bài viết là một ý tưởng, một thông điệp mà Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu gửi đến cho mỗi chúng ta cùng tham khảo và suy ngẫm.
Cuốn Ký ức tháng Tư năm 1975 và những điều suy ngẫm là cuốn sách có nhiều tư liệu quý, có giá trị về lịch sử.
Thư viện trường THCS Thanh Xuân xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc, và các em học sinh.
Thư viện trường THCS Thanh Xuân