Những dấu hiệu điển hình khi có tật khúc xạ là gì?
Một số vấn đề về thị lực phổ biến nhất ở trẻ em có liên quan đến tật khúc xạ. Bệnh nhi thường đến phòng khám sau khi sàng lọc tại trường phát hiện hoặc do các triệu chứng thường được thuật lại là:
- Nhìn mờ
- Nhìn quá gần các đồ vật kế bên
- Nheo mắt khi nhìn
- Khó đọc và làm việc ở trường.
Triệu chứng phổ biến nhất là nhìn mờ. Ngoài ra, có thể dụi mắt, nhắm mắt hoặc che một mắt hoặc nghiêng hoặc quay đầu thường xuyên. Cũng có thể bị mỏi mắt, nhức đầu hoặc mệt mỏi.
Nguyên nhân các tật khúc xạ
Các tật khúc xạ thường được gây ra bởi sự thiếu sót trong quá trình chỉnh thị thông thường của mắt. Chiều dài trục nhãn cầu có thể trở nên quá dài hoặc quá ngắn để hình ảnh tập trung chính xác vào hố mắt, hoặc sự phát triển của giác mạc hoặc thủy tinh thể có thể không đối xứng hoặc không phù hợp để hệ thống quang học hoạt động chính xác.
Điều gì làm tăng nguy cơ đối với tật khúc xạ?
- Tiền sử gia đình có tật khúc xạ, đặc biệt nếu cả bố và mẹ đều mắc tật khúc xạ.
- Sự căng thẳng của mắt, chẳng hạn như đọc trong ánh sáng mờ hoặc làm việc quá sức.
- Chấn thương mắt hoặc phẫu thuật mắt làm thay đổi hoặc tổn thương giác mạc và thủy tinh thể.
- Một giác mạc mỏng bất thường, thủy tinh thể nhỏ hoặc sai lệch vị trí.
Kết quả của sự thiếu sót trong quá trình chỉnh thị
- Cận thị- Thường xảy ra trong khoảng từ 5 đến 15 tuổi, khi nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc quá cong. Do trục nhãn cầu dài hơn hoặc giác mạc hay thủy tinh thể cong quá nên các hình ảnh hội tụ ở phía trước võng mạc. Kết quả là bệnh nhân nhìn mờ, nhất là những vật ở xa nếu không có sự hiệu chỉnh bằng kính để đưa hình ảnh lên đúng võng mạc.
- Viễn thị- Xảy ra khi nhãn cầu quá ngắn hoặc giác mạc hơi phẳng hoặc cong ít. Các hình ảnh hội tụ phía sau võng mạc do trục nhãn cầu ngắn hơn hoặc công suất giác mạc hay thủy tinh thể thiếu. Kết quả là mắt phải điều tiết nhất là khi nhìn gần, góp phần gây ra chứng lác trong, hoặc mỏi mắt do điều tiết.
- Loạn thị- Công suất khúc xạ giác mạc không đối xứng ở các kinh tuyến khác nhau làm cho bề mặt khúc xạ của mắt không giống nhau. Các hình ảnh sau đó được hội tụ ở hai hoặc nhiều điểm riêng biệt, dẫn đến hình ảnh không rõ nét trên võng mạc. Loạn thị có thể có ngay khi sinh ra hoặc do giác mạc biến dạng sau tổn thương hay sẹo, và có thể xảy ra cùng với viễn thị hoặc cận thị. Loạn thị làm cho cả vật thể ở gần và xa xuất hiện dưới dạng các hình ảnh bị biến dạng.
- Bất đồng khúc xạ giữa hai mắt- Tật khúc xạ giữa hai mắt không bằng nhau, có khi một mắt có thể bị cận thị và mắt còn lại viễn thị. Nếu có bất đồng khúc xạ đáng kể giữa hai mắt, có thể dẫn đến không chỉ nhìn mờ, mà còn nhận thức về chiều sâu kém do không hợp thị giữa hai mắt và lâu ngày đưa đến nhược thị một mắt.
Những bệnh / tình trạng khác góp phần vào tật khúc xạ này?
Nhiều bệnh về mắt khác nhau có thể dẫn đến suy giảm thị lực. Bất kỳ đứa trẻ nào bị nghi ngờ có thị lực không ổn cần phải được bác sĩ Nhãn khoa kiểm tra toàn bộ để loại trừ các nguyên nhân cơ bản như: Bệnh lý võng mạc do sinh non, Đục thủy tinh thể bẩm sinh, Bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh, Bệnh u nguyên bào võng mạc, Bệnh teo thị thần kinh hoặc các Hội chứng bẩm sinh khác dẫn đến mất hoặc phát triển thị giác không phù hợp.
Điều gì làm cho tật khúc xạ phát triển tại thời điểm này?
- Như đã lưu ý ở trên, sự thiếu sót của quá trình chỉnh thị là nguyên nhân đầu tiên gây ra các tật khúc xạ.
- Di truyền- Các tật khúc xạ không tuân theo di truyền Mendel điển hình. Chúng là các tương tác của nhiều yếu tố phức tạp với độ biến thiên đáng kể.
- Môi trường- Gia tăng hoạt động nhìn gần khi đi học hay nơi làm việc được biết là góp phần vào sự phát triển của cận thị. Chấn thương hoặc chèn ép mắt có thể gây loạn thị. Cận thị và loạn thị có thể do cả hai lực tác động không đối xứng trên bề mặt phía trước của mắt (Sa mí mắt, Tổn thương mí mắt, các U bì rìa giác mạc, v.v.)
- Nhiều hội chứng thời thơ ấu và các bệnh đã biết có liên kết với tật khúc xạ. Khi có các than phiền chỉ ở mắt thì cũng cần phải đánh giá kỹ lưỡng về sức khỏe tổng quát của một bệnh nhân Nhi khoa.
Tần suất của tật khúc xạ?
Ước tính có 5% đến 7% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo bị các tật khúc xạ ảnh hưởng nhiều đến thị giác.
Tỷ lệ cận thị là 9%, viễn thị 13% và loạn thị 28% ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 17.
Người ta nhận thấy rằng 25% trẻ em trong độ tuổi đi học có một tật khúc xạ và cần phải điều chỉnh.
Vai trò của việc khám sàng lọc định kỳ mắt và thị lực trong xác định chẩn đoán
Khám sàng lọc mắt và thị lực là một công cụ hiệu quả để xác định những bất thường trong phát triển thị giác và có hiệu quả nhất khi được thực hiện định kỳ.
Bệnh nhi và người nhà có thể làm gì để chăm sóc mắt?
- Ăn thức ăn có lợi cho sức khỏe. Trái cây và rau quả tươi giàu vitamin A và C có thể giúp ích cho mắt. Các loại thực phẩm như khoai lang, mơ và cà rốt rất giàu chất dinh dưỡng tốt cho mắt.
- Chăm sóc kính đeo mắt hoặc kính sát tròng. Lưu giữ, làm sạch và sử dụng kính đeo mắt hoặc kính sát tròng theo chỉ dẫn. Thay kính đeo mắt hoặc kính sát tròng theo như bác sĩ Nhãn khoa hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe gợi ý.
- Giảm căng thẳng cho mắt. Cho mắt nghỉ ngơi, đặc biệt là sau khi đọc hoặc nhìn trong thời gian dài. Ngủ nhiều vào ban đêm. Sử dụng đèn làm giảm ánh sáng chói trong nhà, trường học hoặc nơi làm việc.
- Khi đi ra ngoài, nếu nhạy cảm ánh sáng nên đeo kính râm để bớt chói. Đảm bảo kính râm có khả năng chống tia UVA và UVB. Điều này sẽ bảo vệ thêm cho đôi mắt.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt an toàn. Nếu điều trị có bao gồm thuốc nhỏ mắt, điều quan trọng là sử dụng chúng theo chỉ dẫn của bác sĩ và nhà cung cấp thuốc. Đừng chạm đầu chai vào mắt. Vi trùng từ mắt có thể lan truyền sang chai thuốc.
Các kết quả có thể có của các tật khúc xạ là gì?
Việc điều trị không đúng các tật khúc xạ trong thời gian dài có thể dẫn đến nhược thị và suy giảm thị lực vĩnh viễn.
Sự cần thiết điều chỉnh bằng kính lâu dài không phải lúc nào cũng giống nhau.
Làm thế nào có thể ngăn ngừa các tật khúc xạ?
Một số biện pháp để làm giảm sự tiến triển của cận thị đã được đưa ra, nhưng cho đến nay vẫn chưa được chứng minh và gây tranh cãi. Bởi vì quá trình chỉnh thị có thể thay đổi, một số tật khúc xạ chỉ là tạm thời và có thể giải quyết theo thời gian.