Năm 2020, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình các bệnh truyền nhiễm có thể diễn biến phức tạp do thời tiết ngày càng nóng hơn do hiện tượng El Ninos: nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức độ cao so với cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1,0 độ C; sẽ có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn; bão có thể xuất hiện muộn.
Thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát dịch luôn thường trực. Vì vậy mỗi người dân cần nêu cao tinh thần phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây thành dịch, bệnh do một loại vi rút gây ra và lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành. Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Quận Thanh Xuân nằm trong vùng bệnh lưu hành, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch vào các tháng 7, 8, 9, 10,11. Để giúp người dân trên địa bàn quận Thanh Xuân phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Trung tâm Y tế quận hướng dẫn cách phòng, chống dịch như sau:
Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Thường gây ra dịch nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Bệnh sốt xuất huyết gây ra do với 4 tuýp vi rút luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên 1 người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều lần, mà lần sau thường nặng hơn lần trước.
Đặc điểm của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết
Muỗi màu đen, thân và chân có những đốm trắng. Muỗi vằn cái đốt người cả ngày lẫn đêm, muỗi hoạt động mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở nơi tối và ẩm trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng. Muỗi vằn cái đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, thùng nước, chum, vại, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe... Muỗi vằn sinh sôi mạnh sau những cơn mưa và phát triển mạnh khi nhiệt độ trung bình ngày trên 20º C.
Biểu hiện của bệnh
Thể nhẹ: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, 2 hốc mắt, đau cơ, khớp, mình mẩy. Có thể có nổi mẩn, phát ban.
Thể nặng: Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, mảng bầm tím, nôn ra máu, đi ngoài phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).
- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng sốc, choáng do xuất huyết gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết
Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Không tự uống thuốc, đánh gió, xông cảm…
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt bọ gậy, không để các dụng cụ chứa nước có khả năng muỗi vào đẻ trứng.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước.
+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn mà không thể thường xuyên đậy kín (bể, giếng, thùng đựng nước, bể cảnh...) để cá ăn bọ gậy.
+ Thau rửa, cọ sạch thành các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh vỡ, hộp nhựa (sắt), túi ni lon, lốp xe, hốc cây, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ bát, thay nước lọ hoa.
- Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, vợt điện, lưới chống côn trùng, màn tẩm diệt muỗi.
- Cho người bị sốt nghi do sốt xuất huyết nằm màn, tránh muỗi đốt lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất phòng, chống dịch.