📣📣Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Đây là một bệnh rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu:
1. Sốt và ớn lạnh: Người bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt cao và cảm thấy ớn lạnh.
2. Đau họng: Đây là triệu chứng phổ biến, cùng với cảm giác khó nuốt.
3. Mảng trắng trong họng: Các mảng trắng hoặc xám có thể xuất hiện ở vùng hầu họng, lưỡi, hoặc mũi.
4. Sưng cổ: Cổ có thể sưng to, dẫn đến khó thở.
5. Mệt mỏi và suy nhược: Người bệnh có thể cảm thấy rất mệt mỏi và suy nhược.
6. Khó thở: Do mảng bạch hầu lan rộng, người bệnh có thể gặp khó khăn khi thở.
Phương pháp phòng ngừa:
1. Tiêm phòng: Tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu. Vaccine DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) được tiêm cho trẻ em và có thể tiêm nhắc lại cho người lớn.
2. Vệ sinh cá nhân: Giữ vệ sinh cá nhân tốt, đặc biệt là rửa tay thường xuyên.
3. Bổ sung tăng đề kháng + vitamin để tăng cường sức đề kháng.
4. Tránh tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Phân loại bệnh bạch hầu
1. Bạch hầu cổ điển
Bệnh bạch hầu cổ điển là loại bạch hầu phổ biến nhất, ảnh hưởng đến toàn bộ vùng hô hấp trên bao gồm mũi, cổ họng, amidan và thanh quản. Các triệu chứng bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng trong cơ thể người bệnh.
Bạch hầu họng, mũi
Bạch hầu họng, mũi làm người bệnh mệt mỏi, ăn kém, đau cổ họng bởi giả mạc dày và dai trắng ngà, bám chắc vào amidan hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng vòm họng. Trong một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng khiến người bệnh xuất hiện các hạch cổ và sưng nề vùng dưới hàm. Trường hợp nhiễm độc nặng hơn người bệnh sẽ tái mặt, mạch nhanh dần dần đờ đẫn, hôn mê, nếu không được điều trị tích cực có thể tử vong nhanh chỉ trong vòng 6-10 ngày.
Bạch hầu thanh quản
Bệnh bạch hầu thanh quản thường xuất hiện với các giả mạc tại thanh quản hoặc từ vòm họng lan xuống dưới. Bệnh tiến triển tranh và đặc biệt nguy hiểm, nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời, giả mạc này có thể phát triển làm tắc đường thở khiến người bệnh suy hô hấp và rơi vào tử vong nhanh chóng.
Bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp)
Bệnh bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp) thường xuất hiện trong giai đoạn sớm của bệnh, thường từ ngày 3-7 kể từ khi khởi phát. Người bệnh sốt cao từ 39-40 độ C vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc nặng, giả mạc trắng ngà lan rộng, hạch cổ sưng to làm biến dạng cổ dẫn đến hình cổ bạnh.
2. Bạch hầu ngoài da
Đây là loại bạch hầu hiếm gặp nhất, đặc trưng bởi phát ban da, xuất hiện vết loét hoặc mụn nước ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Bệnh bạch hầu da phổ biến hơn ở các quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới hoặc những nơi có mật độ dân cư đông đúc, điều kiện sống và vệ sinh chưa được tốt.
Triệu chứng bệnh bạch hầu
Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng bệnh bạch hầu điển hình như sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, đau họng dẫn đến chán ăn. Sau khoảng 2 đến 3 ngày, xuất hiện giả mạc màu trắng ngà, dày dai, bám chặt vào mặt sau hoặc lan rộng hai bên thành họng, dễ chảy máu. Đây là một trong những triệu chứng phổ biến, dễ nhận biết của bệnh. Bệnh có thể điều trị qua khỏi hoặc có thể gây tử vong chỉ trong 6 – 10 ngày. Tỷ lệ tử vong do bệnh trung bình khoảng 5 – 10%.
Bệnh bạch hầu có lây không?
CÓ! Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây lan với nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là qua đường hô hấp. Người bệnh hoặc người lành mang mầm bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi,… lúc này giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu hòa vào không khí, người khỏe mạnh vô tình hít phải sẽ nhiễm bệnh nếu chưa có miễn dịch chống lại. Ngoài ra, bạch hầu còn lây gián tiếp khi người khỏe tiếp xúc với các đồ vật có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn chứa vi khuẩn bạch hầu.
Các biến chứng của bệnh bạch hầu
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các biến chứng bệnh bạch hầu vô cùng nguy hiểm, nếu không xử trí và điều trị kịp thời khi phát hiện những biểu hiện của bệnh thì có thể dẫn đến tử vong rất nhanh chỉ trong 6-10 ngày.
1. Đường hô hấp tắc nghẽn gây khó thở
Hầu hết các triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là gây viêm họng, đau họng, tổn thương thanh quản. Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp giả mạc màu trắng ngà do các mô tế bào bị viêm tạo ra lớp màng giả mạc bám chặt vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, mảng giả mạc này sẽ phát triển và lan rộng lấp đường hô hấp gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp cho người bệnh.
2. Viêm cơ tim
Viêm cơ tim là một trong những biến chứng đặc biệt nghiêm trọng của bệnh bạch hầu. Ngoại độc tố bạch hầu tiết ra làm ảnh hưởng đến tim, gây ra rối loạn nhịp tim và có thể tử vong đột ngột do trụy tim. Biến chứng viêm cơ tim thường xảy ra khi người bệnh ở giai đoạn toàn phát hoặc vài tuần sau khi khỏi bệnh. Trường hợp viêm cơ tim xuất hiện vào những ngày đầu của bệnh, người bệnh có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao. Ngoài ra, viêm màng bao tim (gây đau nhói ở ngực), tràn dịch màng bao tim cũng xuất hiện đồng thời khi người bệnh gặp biến chứng viêm cơ tim.
3. Tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt
Độc tố bạch hầu rất mạnh, chúng còn làm tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt. Biến chứng này có thể xảy ra khoảng vài tuần sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh bạch hầu.
4. Liệt màn khẩu cái (màn hầu)
Liệt màn khẩu cái thường xuất hiện vào tuần thứ 3 của bệnh, đây cũng là một trong những biến chứng khác có thể gặp khi mắc bạch hầu.
5. Bàng quang mất kiểm soát
Một biến chứng bệnh bạch hầu khác có thể xảy ra với người mắc bạch hầu là vấn đề liên quan đến dây thần kinh kiểm soát bàng quang (rối loạn chức năng thần kinh bàng quang). Khi dây thần kinh ở vị trí này bị tổn thương, người bệnh sẽ không thể kiểm soát được hoạt động của bàng quang khiến đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt,… Các vấn đề liên quan đến kiểm soát bàng quang thường phát triển trước khi cơ hoàng bị tê liệt, đây cũng có thể được xem là dấu hiệu cảnh báo sớm người bệnh có nguy cơ cao gặp các vấn đề nghiêm trọng về hệ hô hấp.
6. Cơ hoành bị tê liệt
Cơ hoành được miêu tả là một cơ hình vòm dày ngăn cách phần ngực với bụng, có chức năng rất quan trọng trong hệ hô hấp giúp duy trì sự sống. Tuy nhiên, với những người mắc bạch hầu, cơ hoành bị tê liệt một cách đột ngột với thời gian kéo dài khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao.
Biến chứng tê liệt cơ hoành thường xuất hiện vài tuần sau khi có triệu chứng mắc bệnh bạch hầu, ngay cả khi người bệnh đã phục hồi sau nhiễm trùng ban đầu hoặc xuất hiện sau các biến chứng nhiễm trùng phổi, viêm cơ tim,…
7. Nhiễm trùng phổi (suy hô hấp hoặc viêm phổi)
Biến chứng này có thể xảy vào tuần thứ 5 của bệnh khiến liệt chi, cơ hoành và các dây thần kinh vận nhãn. Cơ hoành được biết đến với vai trò đặc biệt quan trọng đối với hệ hô hấp, do đó khi bộ phận này bị liệt, người bệnh sẽ gặp phải các biểu hiện khó thở, ngạt thở thường xuyên hơn, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi (viêm phổi hoặc suy hô hấp).
8. Tử vong
Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, ngay cả khi được điều trị kịp thời, vẫn có khoảng 1/10 bệnh nhân tử vong về căn bệnh này.