"Tắt đèn" là một trong những tác phẩm văn học tiêu biểu nhất của nhà văn Ngô Tất Tố. Đây là một tác phẩm văn học hiện thực phê phán với nội dung nói về cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam đầu thế kỉ XX dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
Mở đầu tác phẩm là không khí căng thẳng, ngột ngạt của một làng quê trong những ngày sưu thuế. Cổng làng đóng lại, công việc cày bừa đình đốn, bọn lý trưởng, trương tuần chửi bới, quát tháo om sòm; Mấy tên cai lệ, lính cơ tay thước, roi song, dây thừng đi tróc người thiếu thuế. Tiếng trống, mõ, tù và inh ỏi, tiếng thét lác, đánh đập, tiếng kêu khóc thảm thiết vang lên như trong một cuộc săn người.
Gia đình chị Dậu thuộc loại “nhất nhì trong hạng cùng đinh” nên mấy hôm nay, chị phải chạy vạy ngược xuôi để có tiền nộp suất sưu cho anh Dậu. Bọn nhà giàu chẳng những không cho chồng chị vay mượn mà còn nhiếc móc, đe dọa. Anh Dậu đang ốm cũng bị bọn tay sai xông đến đánh trói, lôi ra đình cùm kẹp. Chị đành phải rứt ruột đem cái Tý, đứa con gái đầu lòng lên bảy bán cho lão Nghị Quế bên thôn Đoài. Vợ chồng lão giàu có mà keo kiệt, tàn ác, đã lợi dụng tình cảnh khốn cùng của chị, mua cái Tý và cả một ổ chó mà chỉ trả hai đồng bạc! Cộng với mấy hào bán gánh khoai, chị tưởng vừa đủ nộp suất sưu và chồng được tha về; Ngờ đâu, bọn lý dịch lại bắt chị phải nộp cả suất sưu của người em chồng đã chết từ năm ngoái! Thật là cùng đường. Giữa đình làng, tiếng kêu uất ức của chị vang lên thảm thiết.
ĐỌC SÁCH TẠI ĐÂY