“Con người sinh ra tự do, ấy thế mà ở đâu đâu nó cũng sống trong xiềng xích…” – Jean-Jacques Rousseau
“Chỉ có giáo dục mới có thể giúp cho xã hội tránh khỏi nguy cơ bị sụp đổ, dù là sụp đổ một cách nhanh chóng hay từ từ… Và lợi ích chung của tất cả các nền văn minh chính là giáo dục trẻ em.” – Jean Piaget
Đâu là hơi thở của giáo dục và linh hồn của một chốn được gọi là trường học? Phải chăng cái gọi là trường học và sự giáo dục đó mang đến cho những cô cậu học trò tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất, tâm hồn phong phú, và một phương pháp giáo dục không ép buộc, một thứ gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát ước mơ. Nếu là thế thì Muhammadiyah là 1 ngôi trường tuyệt vời, thầy Harfan và cô Mus là những nhà giáo vĩ đại, và những chiến binh cầu vồng trong câu chuyện này là những đứa học trò may mắn.
Câu chuyện là hồi ức của chính tác giả về những đứa trẻ nghèo và hai nhà giáo tận tụy diễn ra trên đảo Belitong thuộc đất nước Indonesia. Hòn đảo đã từng nổi tiếng với trữ lượng thiếc cực lớn. Ngành công nghiệp này đã góp phần phân chia giai cấp và quyền lực rõ rệt giữa những con người sinh sống trên đảo, điển hình nhất trong câu chuyện này là về quyền giáo dục, là chuyện “trao quyền lực cho thiểu số để thống trị đa số, giáo dục thiểu số để sai khiến đa số.”
Trong khi ngày nhập học của học sinh trường PN – ngôi trường dành riêng cho con em của nhân viên công ty khai thác thiếc nhà nước – xa hoa với xe đưa người đón bao nhiêu thì ở chiều ngược lại, ngày nhập học của học sinh trường Muhammadiyah – ngôi trường nghèo nhất và cũng lâu đời nhất đảo – lại diễn ra trong sự lo âu của tất cả những người có mặt. Theo lệnh của thanh tra giáo dục, nếu có ít hơn 10 học sinh mới thì ngôi trường sẽ bị đóng cửa. Và cậu bé kém phát triển Harun – kẻ cứu rỗi – đã xuất hiện, sự xuất hiện của cậu đã cứu lấy ngôi trường Muhammadiyah và cứu lấy ước mơ được đi học của 9 học sinh còn lại.
“Tôi đã là một em bé nghèo, một đứa trẻ nghèo, một thiếu niên nghèo và giờ là một người nghèo. Tôi quen với cái nghèo như thể quen với việc tắm gội hằng ngày vậy.” – lời của cậu bé Ikal trong sách. Chính sự phân cấp giàu-nghèo, sự khốn khó của cuộc sống mưu sinh đã ngăn cản con em nhà nghèo thực hiện cái quyền cơ bản của mình – quyền được giáo dục. Và Muhammadiyah luôn ở đó như là cứu cánh duy nhất, nơi các em có thể bấu víu để ấp ủ giấc mơ biết chữ và thoát nghèo.
Bạn có thể hình dung về ngôi trường đặc biệt Muhammadiyah như thế này: “… mái nhà có nhiều lỗ thủng đến độ mỗi khi có chiếc máy bay nào bay ngang qua, cả lớp cứ nghểnh cổ nhìn lên là có thể trông thấy, mỗi khi đội mưa cả lớp phải đội dù ngồi học; nền bằng xi măng đang đến hồi mủn ra; những trận gió mạnh khiến bọn học trò run lên, hớt hơ hớt hải vì sợ trường của bọn chúng đổ sụp; và đứa nào muốn vào lớp học trước tiên phải xua mấy con dê cái ra đã. Vậy nên bạn tôi ơi, chẳng còn gì thú vị để nói về sự nghèo túng của trường bọn tôi nữa đâu. Điều còn thú vị hơn nữa là những người toàn tâm toàn ý cống hiến đời mình cho sự sống còn của một ngôi trường như thế. Những con người ấy không phải ai khác mà chính là thầy hiệu trưởng Harfan và cô giáo Mus.”
Giáo dục là quyền cơ bản của con người, nhưng ai sẽ là người đứng ra bảo vệ cái quyền lợi đó? Ở Belitong, chỉ có thể là thầy Harfan, cô giáo Mus và… không ai cả!
Để đến với con chữ, các em đã phải trải qua nhiều thử thách, và Lingtang là đại diện tiêu biểu nhất cho khả năng vượt khó này. Hằng ngày cậu bé phải đạp xe 80km cả đi và về mới có cơ hội tiếp xúc với con chữ. Chưa kể những lúc chiếc xe đạp cũ dở chứng hư hỏng, lúc thì cái xích, lúc thì cái lốp xe… chuyện xảy ra như cơm bữa. Đó là chưa kể đến những lúc mưa gió, cậu bé phải bỏ quần áo, bút vở vào bịch nilon và bơi trong dòng nước trước sự thèm thuồng của những con cá sấu luôn chực chờ… Thế mà lúc nào cậu bé cũng là người đến lớp sớm nhất; và cũng chính cậu là một thiên tài với đầu óc thông minh vượt trội hơn tất cả.
Với Lingtang và các bạn, việc học tập được thôi thúc bằng khát vọng vươn lên và trên hết là thiện tri thức. Tất cả được dìu dắt bởi thầy Harfan và cô giáo Mus dưới ngọn đuốc soi đường là giá trị đạo đức – môn học giá trị nhất thế giới?
Đan xen trong câu chuyện là một thế giới tuổi thơ trong trẻo và thánh thiện với những trò nghịch dại, và cả tình yêu trẻ con không thành lời của chính tác giả. Từ những phút giây nhận ra mình đang ở tâm chấn của cơn bão tình yêu đầu đời, cậu bé Ikal đã tìm mọi phương cách để đến gần hơn với cảm xúc dịu ngọt đầy thi vị đó. Phương cách thì nhiều lắm, kể cả việc đem chôn những viên phấn – thứ không dư dả ở trường Muhammadiyah – hay “đút lót” lũ bạn, cố tình vi phạm nội qui để bị trừng phạt, để tìm mọi cách độc quyền đi mua phấn – một công việc mà lũ bạn không ai muốn làm –, để thời gian giữa 2 lần mua phấn sẽ rút ngắn lại… Những bài thơ tình cứ thế vượt chặng đường 40km bay về chợ cá, tất cả cũng chỉ vì những móng tay thần thánh đầy ám ảnh của cô bé A Ling – người giao phấn. Rồi tình yêu đầu đời cũng từ biệt Ikal ra đi. Cậu bé hối hả đạp xe 40 km từ chợ cá về trường, chạy băng qua hàng rào, trèo lên cành cây nơi cậu vẫn thường ngồi xem cầu vồng, nhìn chiếc máy bay cất cánh với đôi mắt ậng nước. Tạm biệt nhé, tình yêu đầu.
Đâu đó có viết rằng: “Lời hứa không có giá trị mãi mãi – giá trị duy nhất của nó là làm yên lòng người nghe vào lúc được thốt ra.”? Không phải, lời hứa là một điều gì đó rất thiêng liêng. “Con sẽ điền vào tờ mẫu này sau, thưa cô, chừng nào con biết đọc biết viết hẵng!”, đó là lời hứa đầu tiên của cậu bé chưa biết chữ Lingtang để giữ lại lòng tự trọng cho người cha không biết chữ của mình. Lời hứa đó được Lingtang hoàn thành trong lúc những người bạn cùng lớp đang tập viết từng chữ cái riêng lẻ. Lời hứa thứ 2 được Lingtang thực hiện trong niềm vui vỡ òa của tất cả thành viên trường Muhammadiyah, để có niềm vui đó là sự hy sinh của người mẹ, sự chia sẻ của người bạn – Ikal – và sự quyết tâm cùng tài năng của chính Lingtang. Đó là chuyện Lingtang rủ Ikal đi bán chiếc nhẫn vàng 18 cara – quà cưới bố tặng mẹ – để mua cái xích xe đạp và 2 cái lốp phục vụ cho hành trình đến lớp tìm chữ. Và lời hứa thứ 3 của Lingtang là không trở thành một người đánh cá giống bố, mặc dù ước mơ trở thành nhà khoa học, toán học của Lingtang không thành.
Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện giáo dục và 1 triết lý giáo dục kiên định. Triết lý giáo dục đó là gì? “Học không phải là phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh.” – lời thầy Harfan. Và cô giáo Mus thì quan niệm rằng mất đi 1 học trò như mất nửa linh hồn.
Để biến những suy tư đó thành hành động, thầy Harfan và cô Mus, sau này chỉ 1 mình cô Mus (thầy Harfan mất) đã cùng đám học trò của mình chiến đấu như những chiến binh quả cảm, dù có lúc mệt mỏi, niềm tin lung lay... Ai đó có nói đại ý rằng, nếu điều gì không thể khiến bạn gục ngã thì chính nó sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn, câu nói này đúng với tập thể cô trò trường Muhammadiyah. Đã không có máu chảy, không chia rẻ chính trị, không bạo lực, chỉ có sự hài hước, sự tử tế và tiếng cười lạc quan trọng quá trình tranh đấu. Và họ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến giành lại quyền tồn tại cho ngôi trường Muhammadiyah.
Các thể chế kiềm kẹp và các định kiến đã không còn nhưng con đường đến trường sẽ không trở nên bằng phẳng cho tất cả. Vẫn còn đó chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền, nó là hiện thân của chủ nghĩa thực dụng, nó là cuộc sống. Những ước mơ dần biến mất, đau đớn nhất và tiếc nuối nhất phải nói đến Lingtang. Cậu bé thiên tài đã phải rời bỏ trường học để kiếm tiền, vì cha cậu qua đời, cậu phải thay cha nuôi 14 miệng ăn trong gia đình. Cuộc sống là thế, nó đơn giản thế này: “cuộc sống là những gì xảy đến với bạn khi bạn đang mải mê vạch ra những kế hoạch này nọ.” – John Lennon
Ở Indonesia, có những người đã dùng cuốn sách này để cầu hôn thay cho chiếc nhẫn. Cuốn hút, ám ảnh và đầy tính nhân văn, cuốn sách khiến bạn khó mà dứt ra được. Một cuốn sách khiến bạn xúc cảm, vui-buồn, khóc-cười cùng các nhân vật thì ắt hẳn là một cuốn sách hay, một viên ngọc quí. Người lớn, trẻ nhỏ và đặc biệt là những người làm giáo dục nên tìm đọc. Để chi? Ít nhất thì câu nói văng vẳng của thầy Harfan sẽ thôi ám ảnh chúng ta: “… Trường học ngày này không còn là nơi để xây dựng nhân cách, mà là một phần của kế hoạch tư bản để làm giàu và nổi tiếng, để khoe khoang học vị và có quyền lực.”, và xác tín lại một điều rằng trẻ em không phải là công cụ.
Thư viện trường THCS Thanh Xuân trân trọng giới thiệu tới các em học sinh và độc giả.
ĐỌC TRUYỆN TẠI ĐÂY