Nước ta hình thế bốn phương,
Ba mươi vạn lẻ dậm vuông quy vào.
Bắc thời giáp đất nước Tầu,
Đông, Nam, giáp bể, Tây, Lào với Man.
Cứ trong các tỉnh mà bàn,
Bắc hai mươi ba giang san chuyên thành.
Đôi nơi thành-phố đã đành,
Lại thêm ba đạo ở vành xa kia.
Núi Phan-Păng 1 nhất Bắc-Kỳ,
Hơn ba nghìn thước đâu bì được cao.
Tản-Viên, Tam-Đảo thế nào,
Ngoài một nghìn thước cũng vào bực hơn.
Biết bao các ngả sông con,
Thái-Bình, Nhị-Thủy đại xuyên hai giòng,
Trung-Kỳ thành-phố một vùng,
Mười hai tỉnh lỵ ở cùng cong cong.
Mã-giang giài nhất các sông,
Linh-giang thời rộng và cùng Lam-giang.
Tam-phong ở đất Nha-Trang,
Đo ra mới biết núi càng là cao.
Đến như duyên-cách thế nào,
Diễn ra từng tỉnh chép vào nhời ca.
Trong Nam các tỉnh đặt ra,
Đời vua Minh-Mệnh mười ba đó mà. 2
Còn như các tỉnh Bắc-hà,
Chừng năm thập nhị ấy là kỷ-niên.
Dẫu rằng thành quách biến thiên,
Vẫn là Hồng-Lạc dõi truyền đến nay.
Rõ ràng tổ-quốc là đây,
Người ta nên biết sự này trước tiên.
Lương Văn Can (1854 - 1927), hay Lương Ngọc Can, tự Hiếu Liêm và Ôn Như, hiệu Sơn Lão; là một nhà cách mạng Việt Nam, và là một trong số người sáng lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907.
Sau khi học chữ Hán tại Hà Nội (ngày nay là nhà số 7 phố Trường Thi), năm 1871 đời Tự Đức, 17 tuổi, ông dự thi Hương, nhưng chỉ vào tới tam trường.
Năm Quý Dậu (1873), quân Pháp đánh thành Hà Nội (lần thứ nhất). Sau khi nghị hòa với họ, năm Giáp Tuất, (1874), triều đình Huế lại tổ chức thi Hương tại đây, và ông đã đỗ Cử nhân khoa này (nên khi tuổi cao, ông thường được gọi là cụ Cử Can).
Năm sau thi Hội, ông không đỗ (chỉ vào được một hai kỳ), được triều đình bổ làm Giáo thụ Phủ Hoài (tức Hoài Đức), nhưng ông từ chối. Sau chính phủ Pháp cử ông vào Hội đồng thành phố Hà Nội, nhưng ông cũng không nhận. Bởi ông thấy lúc bấy giờ "việc nước ngày càng nát, dẫu có ra làm nghị viên cũng chẳng thể bàn được gì ích lợi cho quốc dân, nên xin ở nhà dạy con học".
Sau đó, ông cưới vợ là bà Lê Thị Lễ (? - 1907), là con gái Tú tài Lê Anh Sơn ở làng Bình Vọng (nay thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội), và không đi thi nữa.
Đến năm 25 tuổi (1879), ông mở trường dạy học tại nơi ở (nhà số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội).
ĐỌC SÁCH TẠI ĐÂY