Bí quyết giải tỏa căng thẳng trong học tập (phần 2)
Tuần trước chúng ta đã tìm hiểu về các mức độ stress, khi nào thì stress có lợi và có hại, và nguyên nhân của stress. Chúng ta sẽ tiếp tục khám phá thêm về dấu hiệu của stress để biết được khi nào chúng ta cần sự giúp đỡ và những biện pháp giải tỏa stress như thế nào nhé!
Đầu tiên, khi đứng trước những áp lực và căng thẳng này, các em có nhận ra được những phản ứng của mình diễn ra như thế nào không? Đa phần chúng ta sẽ khó nhận diện được những điều này, bởi nhiều triệu chứng căng thẳng có thể bị xem nhẹ là phản ứng bình thường hoặc bị hiểu lầm là do thay đổi tâm lý tuổi dậy thì. Quá nhiều dấu hiệu căng thẳng không được nhận biết hay giải tỏa có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tinh thần và thể chất.
Một số dấu hiệu căng thẳng phổ biến có thể được kể ra như sau:
- Về cơ thể: thở gấp, hơi thở ngắn và dồn dập; tim đập nhanh, căng cứng cơ bắp; cơ thể nóng lên, run rẩy. Ở một số bạn có thể trải qua cơn đau đầu, đau bụng hoặc đau dạ dày mà không rõ các nguyên nhân thực thể.
- Về cảm xúc: Cảm thấy kích động, lo lắng, dễ nóng nảy hoặc trầm buồn nhiều hơn
- Về nhận thức: Khó tập trung, hay quên, mất động lực học tập
- Về sinh hoạt hằng ngày: Không thể ngủ được hoặc ngủ quá nhiều, chán ăn hoặc ăn quá nhiều
- Về mối quan hệ xã hội: Tự tách mình ra khỏi các mối quan hệ bạn bè, gia đình
Vậy, khi nhận thấy bản thân có những biểu hiện trên, chúng ta nên làm gì để giải tỏa căng thẳng? Một số hoạt động gợi ý dưới đây có thể là câu trả lời hữu ích cho các em:
- Bài tập hít thở sâu (ảnh 1): Các em có thể vừa hít thở thật chậm và đếm trong đầu: hít vào bằng mũi và đếm tới 4; nín thở và đếm tới 4, thở ra chậm bằng miệng và đếm tới 4, cuối cùng nín thở và đếm tới 4. Lặp đi lặp lại bài tập này đến khi các em cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, trước khi bước vào bài kiểm tra, nếu cảm thấy lo lắng và căng thẳng, hãy viết ra những điều lo lắng trước khi làm bài, điều này sẽ giúp các em tập trung tốt hơn
- Thực hiện những hoạt động mang lại niềm vui cho em (ảnh 2): Tập chơi một môn thể thao, đi cafe với một người bạn, tâm sự với ai đó mà em tin tưởng, nghe một bài nhạc hay, hoặc nấu một món ăn mới, v.v. Tất cả những điều đó có thể giúp giải tỏa sự căng thẳng trong các em, giúp các em được “sạc pin" - tiếp thêm năng lượng tích cực trong cuộc sống.
- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh (ảnh 3): Ăn uống đủ bữa, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, hạn chế những đồ dầu mỡ hoặc khó tiêu hoá, v.v. những thói quen này sẽ giúp em nuôi dưỡng sự khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần!
- Tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp (ảnh 4): Để được hướng dẫn một cách chi tiết hơn, các em hãy tìm đến phòng tham vấn tâm lý học đường - một nơi an toàn có thể hỗ trợ được các em. Các chuyên gia tại phòng sẽ giúp các em hiểu về căng thẳng của mình và cùng các em thực hiện các hoạt động.
Chúc các em một ngày mới tươi vui!
------------------------------------------
Phòng Tư vấn Tâm lý Học đường
Địa điểm: Tầng 4 - Phòng tư vấn tâm lý học đường (đối diện thang máy)
Thời gian: 14h - 17h30 thứ 3 và thứ 5 hàng tuần
Cách đăng ký tham vấn học đường:
- Trực tiếp tại phòng tâm lý
- Qua giáo viên chủ nhiệm
- Qua hotline của trường: 092 166 8555