Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá nước (shisha)… hay còn được gọi chung là thuốc lá thế hệ mới đang hết sức phổ biến trên thị trường và “ngấm dần” vào giới trẻ, gióng lên hồi chuông cảnh tình cho thế hệ tương lai của đất nước và các nhà quản lý cần ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm này.
Giới trẻ mới là công chúng mục tiêu?
Mang lên mình cái mác “dành cho những người muốn cai thuốc” nhưng đây thực sự có phải là mục đích thuốc lá thế hệ mới hướng đến khi trong 5 năm trở lại đây, số người sử dụng các thuốc lá thế hệ mới lại tăng lên và tăng nhiều nhất trong nhóm người trẻ tuổi mới tiếp cận chứ không phải những người muốn cai thuốc.
Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỷ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử 3,5%, trong đó học sinh nam 4,3%, học sinh nữ 2,8%.
Bên cạnh đó, có thể thấy việc sản xuất, tiếp thị và mua bán đều “có mục đích” hướng tới giới trẻ thông qua nhiều hình thức. Theo khảo sát thị trường, có gần khoảng 20 loại hương vị như táo, dâu, cà phê, vani… sử dụng trong các sản phẩm này, trong đó khoảng hơn 20 nghìn loại hương liệu được sử dụng cùng với nicotine gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người sử dụng. Mẫu mã đa dạng, hương vị thu hút, hình dáng sản phẩm tiện dụng đều là những yếu tố “cuốn” giới trẻ vào sản phẩm độc hại này.
Ngoài buôn bán công khai, thuốc lá thế hệ mới cũng được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter... hay các sàn thương mại điện tử - nơi tập trung phần lớn các bạn trẻ với các hastag hấp dẫn. Thậm chí, sản phẩm này còn được quảng cáo ngay tại các sự kiện thể thao, âm nhạc.
Về sử dụng, không khó để có thể bắt gặp hình ảnh từ người lớn đến trẻ ở độ tuổi đi học trong làn khói thuốc lá điện tử tại các quán cà phê, ngoài đường hay các ngõ ngách gần trường học. Điều này càng khiến nhiều người không khỏi đặt nghi vấn giới trẻ mới thực sự là đối tượng thuốc lá thế hệ mới nhắm vào?
Nhận diện hiểm nguy
Theo PGS. Nguyễn Hữu Đức (Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh), nicotine chứa trong thuốc lá điện tử có khi có lượng cao hơn trong thuốc lá bình thường. Việc giới trẻ tiếp xúc với chất nicotine lâu dài có trong thuốc lá điện tử có thể đe dọa đến sự phát triển của não và gây nghiện. Không những thế, nicotine có trong thuốc lá điện tử không hề nguyên chất mà có thể bị nhiễm nhiều tạp chất, có hại cho sức khỏe. Càng nguy hiểm hơn khi hiện nay thuốc lá điện tử có chứa thêm ma túy như cần sa, cần sa tổng hợp.
Còn theo Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Trung Nguyên thì các loại thuốc lá thế hệ mới hiện nay chứa rất nhiều hợp chất phức tạp và độc hại, có nhiều thành phần chất tạo mùi, tạo khói, tạo hơi... Các tạp chất này khi đốt cháy có thể gây ung thư, tổn thương phổi. Thậm chí còn có rất nhiều loại hợp chất khác nhau không xét nghiệm được.
Nicotine, không như nhiều người tưởng là không có hại chỉ có tính gây nghiện, thực chất cũng là chất gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, đồng thời gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, thanh thiếu niên, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, trường hợp nguy hiểm còn gây sinh non và thai lưu. Ngoài ra, thành phần dung dịch tinh dầu sử dụng trong thuốc lá thế hệ mới còn chứa glycerin, propylene glycol, trong môi trường nhiệt độ cao sẽ gây ra các chất độc hại cho người sử dụng. Và nghiên cứu cũng đã chứng minh, trong quá trình đốt các dung dịch tạo khói, tạo mùi hoặc đốt các sợi thuốc, thuốc lá điện tử có thể phát thải ra các chất như Acrolein, Volatine Organic Chemical, Acetaldehide, Carbone Monoxide, Policyclique Aromatic Hydrocarbone, Nicotine, Formadehide…. Trong số này, có nhiều chất đã được xác định là tác nhân gây bệnh ung thư.
Chắc chắn không phải biện pháp cai thuốc lá truyền thống
Với những nguy hiểm tiềm tàng như trên, thuốc lá thế hệ mới chính là biện pháp duy trì nghiện nicotine và khiến người sử dụng lệ thuộc hơn vào các sản phẩm này. Nhiều người sử dụng thuốc lá điện tử sẽ nghiện thuốc lá điếu thông thường vì bản chất đều là nghiện nicotine. Trong số đó còn có người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường.
BS Nguyễn Thị Nhung, Trưởng khoa Phổi - Lao - Da liễu, Bệnh viện 199 (Đà Nẵng), cũng khẳng định: “Thuốc lá điện tử không thể giúp cai thuốc lá truyền thống. Sản phẩm thuốc lá điện tử vẫn chứa nicotine. Do đó, đây chỉ là chuyển sử dụng từ loại thuốc này sang loại thuốc khác. Bên cạnh chất gây nghiện nicotine, hơi của thuốc lá điện tử vẫn chứa chất gây ung thư trong khói thuốc lá thông thường. Do đó, người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tương tự người hút trực tiếp như ung thư phổi, thanh quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, liệt dương...”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra khuyến cáo thuốc lá thế hệ mới, trên thực tế, nguy hại không khác gì thuốc lá thông thường và không phải biện pháp cai nghiện. Đồng thời, Tổ chức này cũng kêu gọi chính phủ các nước nên cấm hoặc nên quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập khẩu, mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới của giới trẻ.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Trước những tác hại của thuốc lá thế hệ mới với sức khỏe người dân, đặc biệt là giới trẻ, Bộ Y tế cùng một số bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và Quốc hội cấm sử dụng và nhập khẩu sử dụng. Việt Nam đã đang đối mặt với tác hại của thuốc lá điếu. Việc cho phép sử dụng thêm một loại thuốc lá mới không có tác dụng giảm hại mà chỉ góp phần tạo nên một đại dịch kép, gây tổn thất sức khoẻ người dân và tạo gánh nặng cho nhà nước.
Vậy nên, để chủ động bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và người xung quanh, hãy tránh xa các loại thuốc lá và thuốc lá thế hệ mới. Đồng thời, bày tỏ ủng hộ quy định cấm các sản phẩm độc hại này trong tương lai.
Các loại thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư.
Trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: glycerin, propylene glycol và hơn 20.000 loại hương liệu. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.