CÔ GIÁO NGUYỄN THỊ QUÝ – NGƯỜI LÁI ĐÒ THẦM LẶNG MẾN THƯƠNG
CỦA CHÚNG TÔI
(Bài viết của HS Nguyễn Minh Thư, lớp 9A5, trường THCS Thanh Xuân)
Nhắc đến mùa hạ, có lẽ người ta nhớ đến những bông phượng nở đỏ rực, những ngày nắng oi ả, những cơn mưa rào bất chợt, những chuyến du lịch lên rừng xuống biển,... Nhưng với những học sinh lớp 9A5 năm học 2022 - 2023 của trường THCS Thanh Xuân, đây có lẽ là mùa vàng, mùa của những “kỳ tích”, trong đó đặc biệt là ở bộ môn Ngữ văn.
9A5 ngay từ đầu đã là lớp có thế mạnh về môn Toán nhưng điểm trung bình môn Văn thi vào 10 lại là một con số vô cùng ấn tượng: 8,45 điểm với 03/41 HS đạt điểm 7.5+; 32/41 học sinh đạt điểm 8+; 06/41 học sinh đạt điểm 9+. Trong các kì thi vào chuyên KHTN, điểm thấp nhất môn Văn của chúng tôi là 7.5; hầu hết các bạn đạt điểm 8,9. Với chuyên Sư phạm và chuyên Ngoại ngữ, điểm Văn của chúng tôi cũng rất tốt, có những bạn (như tôi) môn Văn là điểm cứu môn chuyên. Những con số và kết quả ấy, tưởng chừng như là những là điều không thể! Thế nhưng, người đã biến điều tưởng chừng như không thể ấy trở thành có thể chính là cô giáo Nguyễn Thị Quý – người lái đò thầm lặng mến thương, người đã thắp sáng và giữ mãi ngọn lửa tình yêu với môn Ngữ văn trong lòng biết bao thế hệ học trò.
Ảnh chân dung cô giáo Nguyễn Thị Quý
Từ thay đổi suy nghĩ...
Trong mắt những học sinh lớp Toán, vốn dĩ môn Ngữ Văn là nguyên nhân gây ra những cơn buồn ngủ, là môn học của sự mất tập trung và luôn là môn “kéo điểm xuống”. Nhưng cô Quý đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ ấy.
May mắn được là học sinh của cô, được cô trực tiếp dạy môn Văn năm lớp 9, tôi vẫn nhớ câu nói của cô khi mới nhận lớp: “Văn học bên cạnh là bộ môn của nghệ thuật (nghệ thuật của ngôn từ) thì nó cũng là một bộ môn khoa học, cần tư duy logic để hiểu.” Câu nói ấy đã khơi dậy trong lòng tôi sự tò mò, tò mò muốn tìm hiểu xem thế nào là cái tư duy “nghệ thuật và khoa học” trong văn học và cũng tò mò muốn biết, rốt cuộc người giáo viên trước mặt mình có tài năng gì mà có thể khẳng định đầy tự tin: “Nghe cô, môn Văn của các con không còn là môn “trở lực”, “ngại lực” mà sẽ là “động lực” kéo điểm, gỡ điểm cho các con.”; rằng “Tin cô đi, lớp Toán hoàn toàn có thể chiến thắng bằng Văn.”
Đến thay đổi cách học...
Quá trình học cô, lớp Toán chúng tôi nhận ra, môn Văn hóa ra không phải là môn rườm rà, lê thê, “chém gió” … mà môn Văn là môn học của tư duy, một lối tư duy rất riêng của khoa học và tài hoa ngôn ngữ. Học văn cô Quý, chúng tôi được học cách tư duy, cách khai thác các tác phẩm; chúng tôi hiểu ra học thơ thì phải thế nào, học văn xuôi thì phải học làm sao … và bên dưới cái “tảng băng trôi” ngôn ngữ đó là tầng sâu của những triết lý rất “đời”, rất “sâu” cô đã truyền tải và làm thay đổi dần bên trong của chúng tôi một cách vô gần gũi, thấm thía…
Đâu chỉ học được cách tư duy để khai thác một tác phẩm văn học, chúng tôi còn học được cách tư duy để viết một bài văn, để trình bày suy nghĩ của bản thân trước một vấn đề. Khi cách triển khai bài của chúng tôi còn rối rắm, câu chữ còn ngô nghê thì người kiến trúc sư của những bài văn ấy đã giúp chúng tôi đập đi xây lại thành những bài viết khoa học , logic, chặt chẽ, thuyết phục. Theo đó, từng ngày từng bài văn cô chấm chữa cho chúng tôi đã “khai sáng” cho chúng tôi về cách viết. Từng câu, từng chữ mà cô đưa vào trong bài văn cô chữa cho chúng tôi cũng đều rất “ đắt”, mỗi lần như vậy đều khiến cả lớp tôi phải trầm trồ “ồ” “à” với trạng thái vô cùng ngưỡng mộ cô. Chúng tôi hiểu ra điều kì diệu và sức mạnh của ngôn từ. Cũng từ đó cô giúp chúng tôi tiến bộ rõ rệt về khả năng viết.
Ảnh cô giáo Nguyễn Thị Quý và học sinh lớp 9A5 ngày tổng kết năm học
Người thầy không chỉ có TẦM mà còn có TÂM
Cô Quý nhận lớp 9A5 từ đầu năm lớp 9, khi ấy sau bài khảo sát chất lượng đầu năm, môn Văn của lớp được đánh giá là một trong những lớp kém nhất khối. Không e ngại điều đó, cô kiên nhẫn dạy lại cho chúng tôi tất cả mọi thứ, rà soát lại một lượt tất cả kiến thức cần thiết, kể cả những kiến thức được cho là quá cơ bản, cô đều dạy lại.
Người giáo viên ấy đã không quản mệt nhọc thức đêm soạn bài giảng mới để lấp đầy lỗ hổng kiến thức cho học sinh, người giáo viên ấy cũng biết bao trưa không ngủ để chấm, để chữa những đoạn văn với nét chữ cẩu thả, mong học sinh tiến bộ từng ngày.
Nhớ về cô Quý, tôi lại nhớ đến những lần cô cầm bút, viết mẫu từng nét chữ, những lần cô chỉnh chữ cho các bạn: “ Cô đã bảo con rồi, con luôn phải viết chạm dòng; “tròn vành rõ chữ” là thế nào, hiểu không?” rồi cô cầm bút, viết lại, uốn lại từng nét chữ của các bạn giống như những cô cậu học trò lớp một. Không hiểu sao sau mỗi lần nhìn cô hướng dẫn, tôi lại bất chợt mỉm cười nhưng trong lòng lại có chút xúc động.
Nhớ về cô Quý, tôi lại nhớ đến câu nói của cô, câu nói mà gần như ngày nào cô cũng nhắc: “A5 ơi, học đi!”, lại nhớ đến những lần cô động viên học sinh: “Chỉ cần các bạn biết rằng, mỗi ngày các bạn đều đã cố gắng hết sức, thế là đủ rồi, kết quả hiện tại chưa nói lên được các bạn đỗ hay trượt”, “Dồn 200% sức vào mà học đi mấy đứa, sau này muốn ngủ 25 tiếng 1 ngày cũng được”...hay câu thần chú: “Cố thêm một chút nữa ...” Những câu nói ấy có chính là động lực cho chúng tôi chạy tiếp trên đường đua dù đã thấm mệt, cho những chàng trai, cô gái lau những giọt nước mắt để tiếp tục dậy học bài.
Nhớ về cô Quý, tôi lại nhớ đến những lần cô nhẫn nại giảng giải lại kiến thức cũ cho học sinh, những kiến thức mà cô đã dạy không biết bao nhiêu lần mà chúng tôi vẫn quên, những lời thơ đầy xúc động cô đọc cho chúng tôi nghe, những tiết học văn không còn căng thẳng nhờ những câu nói đùa của cô, những cuộc trò chuyện giữa cô và học trò, những nét bút đỏ cô sửa trên bài của chúng tôi.
Lời kết …
Để nói về cô Quý, quả thực vài dòng cảm nhận là không thể nói hết được. Người giáo viên ấy, bằng sự nhiệt huyết, bằng tình yêu dành cho học trò, dành cho nghề dạy học đã dùng chính hành động để thay đổi từ trong gốc rễ đến ra mùa quả ngọt cho lớp chúng tôi ở bộ môn Ngữ văn. Chặng đường phía trước của những HS thiên hướng Toán chúng con sẽ không còn có nỗi sợ hãi mang tên “môn Văn” nữa. Cô đã thực sự khiến cho trái tim chúng con – những học sinh yêu Toán phải hơn một lần lỡ một nhịp vì những tác phẩm văn chương…
Xin cảm ơn cô, cô giáo Nguyễn Thị Quý – người làm vườn chăm chỉ, “mùa quả ngọt” này chúng con xin dâng tặng cô. Kính chúc cô luôn mạnh khỏe để cháy hết mình với ngọn lửa nhiệt huyết, sẽ luôn hạnh phúc bên những lớp học trò thân yêu. Chúc cho mỗi mùa hè sau này của cô đều sẽ là “mùa quả ngọt”. Cảm ơn cô đã giúp cho những ngày tháng sau này, khi nhớ lại quãng thời gian học cấp 2, chúng con sẽ không phải tiếc nuối mà nói hai từ: “ Giá như...”. Trang hồi ức tuổi thiếu niên của chúng con đã khép lại trong ánh hào quang của vinh quang chiến thắng rực rỡ và trong đó, luôn có hình bóng cô.
(Nguyễn Minh Thư, lớp 9A5, trường THCS Thanh Xuân)