Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đất nước ta đang trong “cuộc chiến không tiếng súng”, trường học cũng cần phải thay đổi và chuyển sang trạng thái thích ứng mới, vì thế tinh giản chương trình, đẩy mạnh dạy học trực tuyến và qua truyền hình được xem là giải pháp cần thiết lúc này. Để đảm bảo chất lượng dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì Covid-19, ngày 26/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Hướng dẫn dạy học qua hai hình thức này đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020.
Cô giáo Nguyễn Minh Thắm – Tổ trưởng tổ Tự nhiên 1 – tham gia giảng dạy trên truyền hình
Thực hiện chỉ đạo của Phòng giáo dục và đào tạo quận Thanh Xuân, hiện nhiều trường trên địa bàn quận trong đó có trường Trung học cơ sở Thanh Xuân đang triển khai công tác dạy học trực tuyến cho học sinh tất cả các khối lớp trong thời gian tạm nghỉ vì dịch Covid-19 dưới nhiều hình thức như: ghi hình bài giảng, thiết kế hệ thống bài tập... Điển hình, từ tháng 4, nhà trường đã triển khai dạy học bài mới trực tuyến của 13 môn học thông qua phần mềm Zoom cloud meetings, học sinh có thể thao tác trên tất cả các thiết bị có kết nối internet. Song song đó, nhà trường còn triển khai dạy học thông qua google classroom, microsoft teams tích hợp với bộ Office 365, giúp phụ huynh và học sinh có thể dễ dàng theo dõi. Ngoài việc cung cấp kiến thức cho học sinh, dạy học trực tuyến còn tạo ra kênh liên lạc giúp nhà trường và phụ huynh phối hợp tốt trong việc quản lý học sinh, hướng các em đến những hoạt động học tập, vui chơi bổ ích trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh. Trong thời gian thực hiện, giáo viên chủ nhiệm kết hợp với giáo viên bộ môn thường xuyên thống kê số lượng học sinh tham gia qua mỗi buổi học, tiến hành động viên, nhắc nhở. Kết thúc bài học, học sinh được gửi các phiếu bài tập để kiểm tra, đánh giá mức độ tiếp thu.
Cô giáo Mai Thị Nhung – Tổ trưởng tổ Xã hội – trong một tiết dạy trực tuyến
Học sinh trường Trung học cơ sở Thanh Xuân nhìn chung khá năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác các bài giảng của thầy cô giáo, sự tương tác được phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, học online cũng như học trên lớp, học sinh cần phải làm bài tập về nhà và đọc lại lý thuyết bài cũ. Việc này sẽ giúp cho học sinh có nền kiến thức để tiếp thu tốt hơn bài giảng mới. Bên cạnh đó các em cũng nên tìm hiểu và đọc trước phần nội dung bài mới. Ngoài ra nên chuẩn bị trước các dụng cụ học tập như máy tính, vở ghi, giấy nháp cũng như các điều kiện âm thanh, ánh sáng để có thể tiếp thu được tốt và nhanh nhất.
Bên cạnh những ưu điểm cũng có những hạn chế nhất định mà học sinh gặp phải trong quá trình học trực tuyến. Tất cả điều này có thể được khắc phục bằng sự phối hợp của gia đình. Các bậc phụ huynh nên thường xuyên đôn đốc nhắc nhở các con học bài và ghi chép đầy đủ. Học sinh cũng có thể trao đổi với giáo viên qua mạng xã hội về những vấn đề còn khúc mắc. Quan trọng nhất là bản thân các em là phải vượt qua chính mình, rèn luyện tính tự giác, chủ động, đặt ra mục tiêu và quyết tâm thực hiện.
Khi học sinh đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ, nhà trường sẽ tổ chức rà soát xem tình hình học sinh đã nắm được bài đến đâu. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ quyết định dạy phụ đạo để bổ sung kiến thức cho học sinh, tổ chức kiểm tra để công nhận kết quả học tập của học sinh. Thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, để dạy và học hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực và đồng hành của nhà trường và phụ huynh, học sinh.
Một số hình ảnh các tiết dạy trực tuyến tại trường THCS Thanh Xuân