Từ xưa đến nay, văn học dân gian luôn được xem là nguồn nước trong lành, nuôi dưỡng, tắm mát tâm hồn người Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng dòng chảy bất tận của thời gian, vốn văn học dân gian chẳng những không bị mai một mà còn được nhiều tác gia, nhiều đối tượng nghiên cứu sưu tầm, biên soạn để làm sống lại nền văn học nước nhà thời xưa cũ. Trong số các tác gia này phải kể đến nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Phan. Ông là người có tầm ảnh hưởng lớn, đã góp phần làm tỏa sáng hơn vẻ đẹp lấp lánh của những viên ngọc dân gian và tìm tòi những kiến thức văn hóa luôn được giữ gìn, phát huy và lưu truyền từ đời này qua đời khác của dân tộc Việt.
Một trong những vốn liếng văn học dân gian được nhân dân yêu thích nhất là tục ngữ, ca dao, dân ca. Đây là ba thể loại riêng biệt có tính độc lập rõ ràng nhưng về mặt ngữ điệu lại có liên quan chặt chẽ với nhau, đều là những thể loại vần vè, dễ khoác với nhau nhờ sự vận dụng tương hợp giữa lý trí, tình cảm, bao hàm cả nội tâm sâu sắc và kinh nghiệm đúc kết của nghệ nhân sáng tác. Cũng vì sự hòa quyện này, đôi khi bạn đọc nhầm lẫn giữa các thể loại văn học và khó định nghĩa, phân biệt giữa tục ngữ, ca dao và dân ca. Hiểu được điều ấy, Vũ Ngọc Phan đã sưu tầm và biên soạn rõ ràng, đầy đủ về các mặt nội dung và hình thức nghệ thuật của ba thể loại này, hướng người đọc đến những suy nghĩ đúng đắn hơn và làm phong phú hơn mạch nước ngọt ngào của văn học dân gian.
Hơn nửa thế kỷ lao động nghệ thuật không mệt mỏi, Vũ Ngọc Phan thành công và được người đọc biết đến nhiều nhất qua bộ sách Nhà văn hiện đại và Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam. Ông vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I (1996) cho hai tác phẩm: Truyện cổ Việt Namvà Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam.
Thư viện trường THCS Thanh Xuân trân trọng giới thiệu cuốn sách tới các em học sinh và quý độc giả
ĐỌC SÁCH TẠI ĐÂY