Bản thảo cuốn sách này được hoàn thành năm 1939 với tựa đề tiếng Pháp "La civilisation annamite", được xuất bản tại Hà Nội năm 1944, có thể được coi là phát ngôn của người Việt về văn hóa Việt Nam với cộng đồng thế giới. Công trình này được đặt viết theo nghị định ngày 23.4.1938 do Toàn quyền Đông Dương ký để dùng làm sách giáo khoa cho bộ môn văn hóa Việt Nam trong các trường trung học mới được thành lập. Cuối năm 2016, bản dịch tiếng Việt Văn minh Việt Nam được Nhã Nam tái bản. Đây là tác phẩm quan trọng bậc nhất trong tủ sách nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam, ra đời trong cùng bối cảnh với Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh. Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên là một trong số ít nghiên cứu đặt vấn đề tiếp cận văn hóa Việt Nam một cách tổng thể. Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Huyên, một người viết bằng tiếng Việt, một người diễn đạt bằng tiếng Pháp, là hai tác giả người Việt đầu tiên đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu mới nhất của cộng đồng khoa học quốc tế đương thời và sử dụng phương pháp khoa học phương Tây để nghiên cứu các hiện tượng văn hóa và xã hội Việt Nam.
Với kết cấu bao gồm 12 chương, tác phẩm sẽ cung cấp một lượng thông tin đồ sộ về con người, xã hội và văn hóa Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, những gì thuộc về bản sắc Việt Nam, được gọi là "tật xấu" hoặc "nét đẹp" trong văn hóa người Việt. Phần mở đầu, Nguyễn Văn Huyên trình bày về đất nước và lịch sử Việt Nam. Chương I với những thông tin nhân trắc học. Ba chương sau tác giả nghiên cứu tổ chức xã hội của người Việt từ gia đình đến làng xã và nhà nước. Ba chương tiếp là kiến trúc nhà ở của người Việt, các phương thức tập trung dân chúng ở nông thôn và thành thị, cũng như các hành vi ứng xử của người Việt đối với cơ thể, từ cách ăn cách mặc đến cách chăm sóc khi ốm đau hoặc làm đẹp. Bốn chương cuối, đề cập đến đời sống kinh tế, đời sống tôn giáo, cũng như đời sống tư tưởng, văn học và nghệ thuật.
Giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có thể nói là một trong những khúc quanh đầy nghiệt ngã của dân tộc Việt Nam. Đất nước đánh mất chủ quyền vào tay thực dân xâm lược sau những tháng năm dài “bế quan tỏa cảng” và tụt hậu về mọi mặt.
Việt Nam lúc này xuất hiện trên bản đồ thế giới không phải với tư cách của một quốc gia độc lập mà chỉ là một phần trong khối thuộc địa của Pháp ở Đông Dương với cái tên chung: Indochine.
Từ một “tuyên ngôn” về văn hóa
Bên cạnh đó, trong tâm tưởng của thế giới phương Tây thời bấy giờ, văn hóa Việt Nam dường như chỉ là một phần lệ thuộc của Trung Hoa ở phương Bắc. Giữa hoàn cảnh như vậy, tác phẩm La civilisation annamite mà sau này được biết đến với tên gọi Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên đã ra đời.
Thuộc tầng lớp trí thức tiến bộ đương thời, có cơ hội thừa hưởng phương thức giáo dục và lối tư duy mới mẻ của nền học thuật phương Tây, có lẽ hơn ai hết, nhà trí thức trẻ Nguyễn Văn Huyên hiểu rõ những tác động sẽ tạo ra được từ công trình của bản thân đối với việc thay đổi sự nhìn nhận về mọi mặt của văn hóa Việt.
Thư viện trường THCS Thanh Xuân trân trọng giới thiệu cuốn sách tới các em học sinh và độc giả!
ĐỌC SÁCH TẠI ĐÂY